1.Fed bất ngờ tăng lãi suất sau gần 1 thập kỷ
Fed đã chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp. Chủ tịch FED Janet Yellen cho rằng nền kinh tế Mỹ đã có nhiều khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt
Sau nhiều lần trì hoãn, vào rạng sáng 17/12 (theo giờ Việt Nam), Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu tiên tăng mức lãi suất cơ bản, vốn được duy trì ở mức gần bằng 0% lên 0,25 - 0,5% sau gần 1 thập kỷ.
Sự kiện này không chỉ tác động trực tiếp đến nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Fed nâng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá USD trong nước khi mà tỷ giá đồng USD/VND đã kịch trần. Kéo theo đó, lạm phát, nợ công cũng trở nên đáng lo ngại.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước sau đó khẳng định, việc Fed tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng nguồn vốn vào ra. Bởi vậy, Fed tăng lãi suất không tác động lớn đối với sự dịch chuyển của dòng vốn.
Lãi suất thấp ở mức tượng trưng gần 0% đã được Fed duy trì từ cuối năm 2008 tới nay, như là một công cụ nhằm khuyến khích đầu tư và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi cuộc suy thoái giai đoạn 2007 - 2009. Đợt tăng lãi suất vừa qua, theo Chủ tịch FED Janet Yellen là do nền kinh tế Mỹ đã có nhiều khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt, như công nghiệp, nhà đất, dịch vụ...
2.Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ
Chỉ trong vòng 3 ngày, đồng NDT đã giảm 4,6% so với đồng USD
Ngày 11/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã quyết định hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) xuống 1,9% so với đồng USD. Đây là mức giảm giá thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong ba năm qua, làm chấn động cả thế giới.
Liên tiếp sau đó, đồng NDT tiếp tục giảm giá 1,6% trong ngày 12/8 và 1,1% trong ngày 13/8. Chỉ trong vòng 3 ngày, đồng NDT đã giảm 4,6% so với đồng USD. Sau nhiều lần tăng giảm liên tiếp, vào sáng 14/12, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc một lần nữa phá giá đồng Nhân dân tệ. Hậu quả của sự kiện này là thị trường tài chính và chứng khoán thế giới chao đảo, sụt giảm bất ngờ ngoài dự đoán.
Phía Trung Quốc đưa ra lý do phá giá là để kéo sát đồng tiền này về giá trị thị trường. Tuy nhiên, theo giới phân tích, mục đích thực sự là thúc đẩy nền kinh tế, duy trì tăng trưởng và việc làm qua hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao quyền lực cho đồng NDT, giúp nước này dễ dàng thực hiện các mục tiêu ngoại giao và tăng vị thế trên nền kinh tế toàn cầu.
Đối với Việt Nam, việc Trung Quốc phá giá liên tiếp NDT đã tác động trực tiếp tới kinh tế, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
3.Giá dầu lao dốc không phanh
Vào những ngày cuối năm, giá dầu đã “rớt” xuống gần mức thấp kỷ lục của năm 2008
Trong năm 2015, giá dầu trải qua nhiều đợt biến động mạnh bắt đầu từ tháng 6. Vào những ngày cuối năm, giá dầu đã “rớt” xuống gần mức thấp kỷ lục của năm 2008, giao dịch quanh mốc dưới 40 USD/thùng. Đỉnh điểm là trong phiên giao dịch 21/12, mỗi thùng chỉ còn 36,17 USD.
Sự lao dốc không phanh của “vàng đen” xuất phát từ các nhà sản xuất lớn hàng đầu như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Mỹ hay Nga tiếp tục bơm dầu ra với năng suất cao nhất nhằm giữ thị phần.
Việc giá dầu giảm liên tục trong khi các quốc gia cam kết không giảm sản lượng khiến các nước xuất khẩu dầu gặp nhiều khó khăn, trong đó có Việt Nam.
4. Gửi Đô la Mỹ không còn được trả lãi
Kể từ ngày 18/12, gửi Đô la Mỹ không còn được trả lãi
Kể từ ngày 18/12, lãi suất tiền gửi đồng USD của tổ chức và cá nhân đều có chung mức là 0%/năm. Tức, cá nhân gửi tiết kiệm bằng đồng USD chỉ được hưởng mức lãi suất là 0% thay vì mức 0,25%/năm như trước đó.
Đây là nội dung chính của Quyết định số 2589/QĐ-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
5.Nới room cho nhà đầu tư ngoại
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không còn bị giới hạn
Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012. Nghị định 60 không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là công ty đầu tiên nới room ngoại lên 100% vào đầu tháng 9 năm nay.
Tuy nhiên, sự phấn khởi của SSI không tạo thành trào lưu. Hầu hết các công ty trên sàn vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể trước khi quyết định nới room cho khối ngoại.
6.Mua bán, sáp nhập diễn ra mạnh mẽ
Ngoài 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng, 4 cặp đôi khác cũng chính thức về một nhà
Nếu như năm 2014, không có bất cứ thương vụ mua bán sáp nhập nào diễn ra trong ngành ngân hàng thì sang năm 2015 làn sóng này lại diễn ra mạnh mẽ. Thị trường đã chứng kiến 3 ngân hàng thuộc xếp loại yếu kém và bị mua lại với giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Đại Dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Bên cạnh đó, hàng loạt thương vụ sáp nhập cũng đã diễn ra, cả bắt buộc lẫn tự nguyện. Bao gồm, PG Bank - Vietinbank, Phương Nam - Sacombank, Maritime Bank - MDB, MHB - BIDV,...
Những thương vụ này phản ánh quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra quyết liệt như tuyên bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình hồi đầu năm.
Sau gần 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011 - 2015) và xử lý nợ xấu, đến nay đã có 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác; 4 tổ chức tín dụng được mua lại. Việc xử lý nợ xấu ngân hàng cũng về đích như mong đợi, từ 17% (tháng 9/2012) còn dưới 3% vào tháng 9/2015.
7.Dồn dập thay tướng ngân hàng
Nhiều nhà băng đồng loạt thay tướng
Hiếm có năm nào các ngân hàng lại “đua” nhau thay tướng nhiều như năm 2015. Hàng loạt nhà băng thông báo thay đổi nhân sự cấp cao. Chẳng hạn như Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Maritime Bank, ABBank, DongA Bank,… Đó là chưa kể ở nhiều ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng.
Mới nhất và gây nhiều chú ý trên thị trường thời gian qua phải kể đến Eximbank. Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 15/12 vừa qua, vấn đề bầu lãnh đạo chủ chốt ở ngân hàng này vô cùng căng thẳng. Sau cuộc họp kéo dài kỷ lục gần 1 ngày với nhiều bức xúc, cổ đông mới hoàn thành bỏ phiếu bầu HĐQT. Hiện, ông Lê Minh Quốc đang giữ chức Chủ tịch Eximbank, còn vị trí Tổng Giám đốc vẫn chưa công bố chính thức khi trước đó, ông Phạm Hữu Phú xin từ nhiệm.