16/12/2014 3:49 PM
Thêm một năm nữa trôi qua, tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đứng yên - xét về số lượng các trường hợp được xử lý qua sáp nhập, hợp nhất. Kế hoạch sáp nhập tiếp 6-7 ngân hàng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm vẫn chưa hiện thực.

Năm 2014 đã gần qua nhưng vẫn chưa có trường hợp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nào diễn ra trong kế hoạch dự kiến

Cụ thể, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục tiến hành xử lý 6-7 ngân hàng thương mại thông qua sáp nhập.

Đó là một bước tiến nữa về số lượng, sau khi hệ thống về cơ bản đã xử lý được 8/9 ngân hàng yếu kém xác định đợt đầu. Tốc độ tái cơ cấu ngân hàng theo đó diễn ra nhanh chóng.

Thế nhưng, cho đến nay, năm 2014 đã gần qua nhưng vẫn chưa có trường hợp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng nào diễn ra trong kế hoạch dự kiến nói trên.

Khi VnEconomy tìm hiểu nguyên do, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho biết một nguyên nhân chính: Ngân hàng Nhà nước đã chủ động chậm lại khi xuất hiện cơ hội mới, qua đó kết quả tái cơ cấu nhóm ngân hàng này có thể sẽ tốt hơn nhiều so với dự tính trước đây.

Cuối năm 2011, chủ trương tái cơ cấu được đưa ra. Ngay trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thực hiện khoanh vùng các ngân hàng yếu kém, cũng như xác định ngay từ đầu định hướng giải quyết.

Thời điểm đó, thanh khoản và an toàn hệ thống đứng bên bờ vực đổ vỡ, theo lời vị lãnh đạo trên, nên cần nhanh chóng khoanh vùng, không chế những rủi ro, triển khai ngay các phương án tái cơ cấu.

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém diễn ra nhanh chóng sau đó. Tuy nhiên, nguyên tắc xử lý là tự nguyện. Nhóm 6-7 ngân hàng tái cơ cấu sau đó cũng vậy, tự nguyện và xác định phương án của riêng mình.

“Khi hệ thống tiềm ẩn rủi ro, cần xử lý nhanh và an toàn đặt lên hàng đầu. Kế hoạch và các phương án của những ngân hàng đó, cũng như sự chủ động giám sát và thúc đẩy của Ngân hàng Nhà nước đã có. Lộ trình sáp nhập tiếp 6-7 ngân hàng đã định và công bố”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tuy nhiên, sau khi có các phương án và lộ trình trên, vị lãnh đạo chuyên trách trên cho hay, đã xuất hiện các yếu tố mới.

Đó là khi Chính phủ mở cơ chế cho phép sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như nguồn lực tư nhân mạnh và đáng chú ý xuất hiện.

Theo ông, nếu cứ theo các phương án và lộ trình trước đây, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng đạt kế hoạch, là xong trách nhiệm. Nhưng so với trước, những yếu tố mới nói trên xuất hiện đã tạo cơ hội cho kết quả tốt hơn.

“Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tiếp cận, đặt vấn đề và giá trị các khoản đầu tư có triển vọng lớn hơn so với các phương án tái cơ cấu trước đó. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét lại để cho chính các chủ thể, các cổ đông có lợi ích tốt hơn hoặc giảm thiểu thiệt hại từ tái cơ cấu”, cũng theo đại diện lãnh đạo chuyên trách trên.

Triển vọng đó cũng gắn với quá trình cải thiện hoạt động ngân hàng, môi trường kinh doanh nói chung so với thời điểm “bên bờ vực đổ vỡ” cuối 2011 đầu 2012; đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát và chấn chỉnh hoạt động của nhóm ngân hàng trên.

Quan điểm được đưa ra, dù có trường hợp yếu kém, thậm chí có sai phạm trong hoạt động dẫn tới yêu cầu phải tái cơ cấu, nhưng những ngân hàng đó đều là tài sản của cổ đông, của người dân, nên khi có cơ hội để xử lý tốt hơn thì Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho họ nắm bắt cơ hội.

Đây là một lý do chính khiến lộ trình sáp nhập 6-7 ngân hàng trên bị chậm lại so với dự tính trước đây.

Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.