11/09/2020 3:00 PM
CafeLand - David Bakke, 48 tuổi là một blogger tự do sống ở ngoại ô thành phố Atlanta. Anh đã tiết kiệm được 6.000 USD trong quỹ dự phòng khẩn cấp trước khi đại dịch diễn ra. Công việc kinh doanh của anh bị chậm lại từ lúc virus Covid-19 lan rộng và chỉ việc sửa chữa điều hòa không khí đã khiến anh tiêu tốn một nửa khoản tiền nói trên.

Anh cho biết: “Số tiền ban đầu trong quỹ dự phòng khẩn cấp của tôi quả thật hơi ít. Còn giờ thì nó dường như chẳng còn tồn tại”. Bakke nói anh không lường trước được việc phải sống dựa vào tiền tiết kiệm trong thời gian dài đến vậy.

“Tôi không nghĩ ai đó lại lên kế hoạch tiết kiệm tiền để đủ chi tiêu trong 6 tháng”, anh cho biết.

Kể từ khi Covid-19 được tuyên bố là đại dịch, 14% người Mỹ - lên đến 46 triệu người - cho biết họ đã tiêu sạch khoản tiền tiết kiệm sử dụng cho trường hợp khẩn cấp, theo một cuộc khảo sát do CNBC và Acorns phối hợp với nền tảng SurveyMonkey thực hiện.

Theo khảo sát này, khoảng 11% người trưởng thành khác tại Mỹ đã phải vay mượn để trang trải các chi phí hàng ngày.

Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh đã gây ra sự gián đoạn về kinh tế và xã hội chưa từng có, khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm hoặc phải làm việc ít giờ hơn với mức lương thấp hơn.

Nếu tính theo độ tuổi, những người thuộc thế hệ millennials lớn tuổi hơn ở trong tình trạng tồi tệ nhất. Khoảng 26% người trong độ tuổi 25-34 được hỏi cho biết quỹ dự phòng khẩn cấp của họ đã cạn kiệt hoàn toàn so với chỉ 6% những người thuộc thế hệ baby boomers từ 65 tuổi trở lên, theo khảo sát trên hơn 5.400 người trưởng thành vào tháng Tám. Kết quả trên có sai số cộng hoặc trừ 2 điểm phần trăm.

Các kết quả của khảo sát này cũng tương tự với những phát hiện gần đây cho thấy nhiều hộ gia đình tại Mỹ đang gặp khó khăn về tài chính khi đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao và suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra.

Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp là 10,2%, có nghĩa là khoảng 1/10 người Mỹ ở độ tuổi lao động không thể tìm được việc làm.

Trên thực tế, trong khi một số người Mỹ đang tiết kiệm được nhiều tiền hơn trước đây, thì số người đang gặp khó khăn về kinh tế cũng tăng vọt, theo một báo cáo riêng của Bankrate.

Báo cáo này cũng cho biết ở thời điểm hiện tại, số người Mỹ có ít tiền tiết kiệm hơn đã gấp khoảng ba lần so với trước khi bùng phát đại dịch.

Greg McBride, trưởng bộ phận phân tích tài chính của Bankrate cho biết quỹ dự phòng khẩn cấp cần được thiết lập chính là để đối phó với những trường hợp khắc nghiệt như đại dịch Covid-19.

“Nếu bạn cần tiền để thanh toán các hóa đơn trong thời điểm khó khăn này, quỹ khẩn cấp sẽ được sử dụng”, ông nói.

McBride khuyên bạn nên tích trữ khoản tiền đủ dùng trong ít nhất sáu tháng để trang trải mọi chi phí, từ hóa đơn y tế đến sửa chữa nhà, hoặc hơn thế nữa nếu bạn là trụ cột duy nhất trong gia đình hoặc tự kinh doanh.

Nhưng có thể phải mất một thời gian dài nữa thì người Mỹ mới lại có tiền để cho vào quỹ dự phòng khẩn cấp.

“Khi bạn quay lại làm việc toàn thời gian và nguồn thu nhập trở lại bình thường, bạn có thể xây dựng lại quỹ dự phòng”, McBride nói.

  • Tỷ lệ nợ quá hạn của người mua nhà ở mức độ nghiêm trọng tăng vọt

    Tỷ lệ nợ quá hạn của người mua nhà ở mức độ nghiêm trọng tăng vọt

    CafeLand - Theo báo cáo về hiệu suất của các khoản vay mới được thực hiện bởi đơn vị phân tích dữ liệu bất động sản CoreLogic, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức độ nghiêm trọng của các khoản vay thế chấp tại Mỹ đã tăng gấp đôi từ tháng Năm đến tháng Sáu và đạt mức cao nhất kể từ tháng 02/2015. CoreLogic dự đoán tỷ lệ này có thể tăng gấp đôi một lần nữa vào đầu năm 2022.

Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.