Thông tin chính thức được Bộ Xây dựng phát ra cho biết, đến thời điểm này, mới chỉ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai cho vay từ gói tín dụng ưu đãi này đối với 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, với số tiền vay là 117,7 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội tại Thừa Thiên - Huế và Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vay 540 tỷ đồng để đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang nhà xã hội tại TP.HCM. Bộ Xây dựng cũng cho biết, mới hoàn thành đề xuất đợt đầu về danh mục gồm 30 dự án nhà ở xã hội để ngân hàng xem xét cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn 30.000 tỷ đồng vẫn chưa thực sự ra với thị trường.
Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ đông đảo người dân có thu nhập thấp đang rất trông đợi vào chính sách này thì hầu như chưa có một chuyển biến nào. Cụ thể, gần như chưa có số liệu nào từ phía ngân hàng được đưa ra chứng tỏ người dân đã được “chạm tay” đến nguồn vốn của gói tín dụng này.
Xác nhận tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã gián tiếp “thanh minh” cho thực tế tại sao sau hơn 1,5 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ, hiện nay gần như chưa có cá nhân nào tiếp cận được với nguồn vốn hỗ trợ này. Ông Dũng cho biết: Gói tín dụng này là trung hạn, không phải đưa ra là làm được ngay. Mặt khác, phải có nhà ở xã hội rồi thì mới cho người dân vay được, hoặc nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhiều lên thì mới có nhiều người mua và mới cho vay được, nhưng hiện nay khối lượng loại nhà này rất ít nên chưa giải ngân được ngay.
Đại diện một chi nhánh Ngân hàng BIDV cho biết ngân hàng đã duyệt trên 10 hồ sơ tín dụng của người dân để mua căn hộ thuộc Dự án Khang Gia - Tân Hương (TP.HCM). Tuy nhiên, khách hàng phải cam kết nếu họ không thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi thì ngân hàng được quyền chuyển khoản vay này sang khoản vay thương mại và áp dụng lãi suất thương mại bởi cho đến thời điểm này các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra được khái niệm thế nào là “thu nhập thấp”.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Người thu nhập thấp sẽ không dễ tiếp cận vốn vì họ phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí mà gói tín dụng đưa ra. Ví dụ như phải chứng minh được thu nhập đủ trả nợ. Hay những người đã vướng vào nợ xấu, hay những người không đủ chỉ tiêu về thu nhập, hay những người thu nhập đủ, nhưng chi tiêu quá mức… đều khó tiếp cận vốn”.
Như vậy có thể thấy, mặc dù rất hấp dẫn, nhưng gói tín dụng về nhà ở cho người thu nhập thấp dường như còn quá chặt chẽ và thiếu niềm tin vào những người muốn mua nhà thực sự, trong khi với các doanh nghiệp thì đang có phần dễ dãi.