25/12/2015 10:39 AM
Với mức tăng trưởng cao hơn 17% của năm nay, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tín dụng của toàn hệ thống có thể mở rộng tăng tới 18-20% trong năm 2016. Cùng với chính sách hỗ trợ cho vay, giảm lãi suất, nợ xấu cải thiện… thì các ngân hàng có thể “bơm” nhiều vốn hơn cho nền kinh tế.
Hồi đầu năm 2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa thông điệp về tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ khoảng 13-15%, song bỏ ngỏ khả năng có thể điều chỉnh chỉ tiêu lên mức 17% để hỗ trợ tăng trưởng. Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 21/12, tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng tới 17,17% và dự báo cả năm sẽ đạt mức 18%.
Năm 2016, căn cứ trên cơ sở chỉ số lạm phát, Ngân hàng Nhà nước dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20%
2016: tín dụng sẽ tăng 20%
Theo NHNN, năm 2015, tín dụng tăng trưởng hơn 17,17% là cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2014 (đến 19/12/2014 tín dụng tăng 11,8%). Cung vốn từ ngân hàng dồi dào hơn đã hỗ trợ tích cực cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2015.
Dòng vốn tín dụng tiếp tục được phân bổ hợp lý, hướng tới các lĩnh vực ưu tiên, phục vụ sản xuất kinh doanh. Đơn cử, hết tháng 11/2015, tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 44,78%, nông nghiệp nông thôn tăng 10,8%… Các ngân hàng cũng triển khai nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi để “bơm” vốn cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển hơn…
Đánh giá về hoạt động tín dụng tại cuộc họp báo ngày 24/12, bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Thống đốc NHNN, thừa nhận quá khứ tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được tăng ở mức rất cao (có thời điểm tới 30-50%). “Đây là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng cao. Song từ năm 2011 đến nay, NHNN đã điều chỉnh, kiểm soát tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức hợp lý”- Bà Hồng nói.
Theo bà Hồng, năm 2016, căn cứ trên cơ sở chỉ số lạm phát, NHNN dự kiến định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20%. Nhưng tuỳ theo diễn biến thực tế có thể sẽ điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tín dụng. Tín dụng sẽ được tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Dù ngân hàng sẽ mở rộng cho vay song đối với tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, chứng khoán sẽ vẫn được theo dõi sát sao. Mục tiêu là đảm bảo mở rộng tăng trưởng đi đôi với đảm bảo hiệu quả, an toàn, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Việc mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng còn phải tính đến nhiều yếu tố, như: lạm phát thấp, tỷ giá USD/VND biến động, lãi suất, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống…
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Xử lý nợ xấu được coi là nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong giai đoạn 2011-2015 và đã có kết quả khả quan. Sau khi triển khai quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu, nợ xấu tại thời điểm tháng 9/2012 ở mức 7,9% đã giảm mạnh, hiện còn 2,72% tính đến ngày 30/11/2015. Các TCTD phải thực hiện phân loại, trích lập nợ xấu chuẩn mực và xoá bỏ tình trạng “hai số liệu” nợ xấu tồn tại lâu nay.
Quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng
Ông Cát Quang Dương – Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng, đã cho biết một số kết quả tích cực khi “nới” rộng tín dụng hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng cho đóng tàu cá, đánh bắt thuỷ hải sản xa bờ…
Đơn cử, một số ngân hàng thí điểm thực hiện cho vay ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, số vốn giải ngân được hơn 6.000 tỷ đồng.
Sau một năm triển khai hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá, lượng vốn cho vay tăng mạnh với hơn 277 hợp đồng cho vay đóng mới tàu cá, tổng vốn cho vay trên hợp đồng gần 3.000 tỷ đồng. Chương trình cho vay tái canh cà phê với tổng quy mô tín dụng 12.000 tỷ đồng, nay Agribank đã cho vay hơn 8.300 tỷ đồng.
Ông Quang cho biết: “Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015, NHNN tiếp tục đẩy mạnh chương trình đối thoại giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, qua đó đã tháo gỡ khó khăn, tái cơ cấu nợ và tín dụng đã tăng lên đáng kể”.
Về định hướng điều hành năm 2016, bà Hồng nhấn mạnh quan điểm linh hoạt bởi thị trường tiền tệ vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Một là, tình trạng mất cân đối của nguồn vốn phục vụ cho doanh nghiệp, chủ yếu vốn ngắn hạn, thiếu vốn trung và dài hạn nên cần được cơ cấu lại. Nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vẫn đang dựa chủ yếu vào hệ thống ngân hàng.
Hai là, tình trạng đô la hoá được quán triệt, giảm hơn trước nhưng thị trường dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý nên sẽ gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động điều hành của NHNN.
Ba là, năm 2016 không thể chủ quan với lạm phát, bởi theo đánh giá của IMF, xu hướng giảm của lạm phát ở nhiều nước không phản ánh tình trạng giảm phát của nền kinh tế nên cần có chính sách điều hành bám sát thực tiễn, linh hoạt, nhất là khi xu hướng giá dầu sẽ còn giảm thấp hơn nữa sẽ có tác động đến lạm phát.
Bốn là, vấn đề đáng quan tâm là năm 2016 sẽ thực hiện điều chỉnh giá một số hàng hoá thiết yếu, như điện, xăng dầu… Nếu không có sự phối hợp, điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá hợp lý thì lạm phát sẽ không thể thấp như năm 2015.
Về chính sách lãi suất và tỷ giá, NHNN đã phối hợp rất đồng bộ trong năm 2015 theo xu hướng giảm lãi suất, ổn định tỷ giá. Năm 2016, NHNN sẽ cân nhắc lựa chọn giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, hiệu quả hơn, cân nhắc yếu tố để chặn đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, chống đô la hoá.
Thu Hằng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.