Chốt phiên 31/12/2014, giá vàng giao sau tuột 16,3USD, tương đương 1,4%, xuống chốt tại 1.184,1USD/oz trên sàn Comex tại sở giao dịch New York Mercantile.
Trong cả năm, giá vàng giảm 18,2USD, tương đương 1,5%, so với mốc 31/12/2013, chốt tại 1.202,3USD/oz.
Trong năm, đã có lúc giá vàng lên tới đỉnh 1.379USD/oz, tăng 14%, nhưng sau đó bị lực cầu châu Á yếu ớt và đồng USD được giá kéo lui.
So với năm trước, giá vàng chuyển động có phần bình ổn hơn. Trong năm 2013, giá vàng giao động trong khoảng biên độ 500USD, trượt 28%. Năm nay, mặc dù từng có lúc tìm đáy 5 năm vào tháng 11, giá vàng rung lắc trong khoảng 260USD.
Yếu tố chính khiến giá vàng giảm là USD tăng giá – ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ 2005. Chỉ số USD do sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt khác chốt tại 90,269 vào cuối ngày 31/12, tăng 12,8% so với cả năm.
So với yen, USD tăng 13,8%. Chỉ số euro giảm 12% so với USD trong năm 2014, đánh dấu năm tuột dốc mạnh nhất của euro trong vòng 9 năm trở lại đây.
USD được giá thường đè sức nặng lên giá vàng, vì khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với các nhà đầu tư so với tiền tệ khác.
Ngoài ra, một yếu tố khác khiến bạc xanh gặp thời, càng kéo lê giá vàng là chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo dự đoán giới kinh tế, Fed sẽ nâng lãi suất trong quý II hoặc III vào năm 2015, một phần trong nỗ lực bình thường hóa tình hình tiền tệ. Lãi suất cao hơn sẽ tác động xấu đến giá vàng do kim loại quý này là hàng hóa phi lãi suất.
Trong nửa cuối năm, giá dầu thô đổ dốc hơn 40%, kéo tỷ lệ lạm phát tại một số nước giảm theo. Dầu và vàng là hai loại hàng hóa có chuyển động giá tương đồng.
Giá dầu thô giảm kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản giảm, dẫn đến tỷ lệ lạm phát đi xuống. Từ đó, vàng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư vì tính chất phòng thủ trước lạm phát.
Trong năm tới, các chuyên gia dự đoán giá dầu chưa thể thoát đà trôi dốc, trong bối cảnh các cường quốc về dầu mỏ thuộc OPEC thông báo không cắt giảm sản lượng.
Giới đầu tư tiếp tục giảm lượng vàng nắm giữ trong năm 2014, trữ lượng trong quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR giảm 140 tấn xuống 710,81 tấn, thấp nhất trong vòng 6 năm. Tuy nhiên dòng chảy ròng này vẫn thấp hơn so với năm 2013 khi SPDR mất 460 tấn vàng, còn lại 850 tấn.
Tại các bảng giao dịch khác, giá bạc chốt tại 15,63 USD/ounce, giảm 19,5% trong cả năm. Giá bạch kim dừng ở 1.200,4 USD/ounce, tuột dốc tổng cộng 12%.
Giá paladi chốt tại 793 USD/ounce, tăng 11% so với đầu năm, trở thành kim loại quý có giá cả chuyển biến khởi sắc nhất năm 2014.
Trong năm 2015, nhà phân tích Chen Min thuộc công ty Jinrui Futures dự đoán giá vàng trung bình trôi xuống dưới mức 1.170 USD/ounce, do nền kinh tế Mỹ hồi phục, USD tăng mạnh kèm lãi suất được nâng bổng.
BMO Capital Markets – Ngân hàng đầu tư thuộc Ngân hàng Montreal của Canada – dự đoán USD tiếp tục tăng giá và lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp tại nhiều nước trong năm tới, nên khả năng vàng tăng giá là thấp. Nhà băng dự đoán giá vàng trung bình năm 2015 đạt 1.190 USD/ounce, trong khi giá bạc đạt 17,5 USD/ounce.
Đồng quan điểm, ngân hàng Citigroup dự đoán giá vàng trung bình năm 2015 dao động quanh ngưỡng 1.220 USD/ounce. Tuy giá có thể giảm trong năm tới, có nhiều yếu tố kháng cự đà trôi dốc này như nhu cầu vật chất tại Ấn Độ và Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát mới đây của Bloomberg cho thấy các chuyên gia phân tích dự báo giá vàng trung bình trong quý I/2015 là 1.175 USD/oz, thấp hơn một chút so với chốt giá hiện tại.