31/12/2012 9:08 AM
Năm 2012 khép lại và được đánh giá là một năm “ế ẩm” của thị trường bất động sản. Trong năm mới 2013, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng với các giải pháp tổng thể, thị trường địa ốc liệu có khả năng hồi phục?

Thách thức lớn nhất: Vẫn hàng tồn kho

Năm 2012 dần khép lại bằng bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản đóng băng, hầu hết các phân khúc như căn hộ chung cư, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, đất nền biệt thự đều giảm giá, sức mua và lượng giao dịch, tồn kho lớn, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn gay gắt về tài chính.


Sự chênh lệch về cung-cầu dẫn đến lượng hàng tồn kho quá lớn.

Theo ông Nguyễn Thành Mai, Tổng thư ký HHBĐS Việt Nam, chỉ tính riêng phân khúc căn hộ, tính đến cuối quý 3/2012, tổng số căn hộ để bán chào ra thị trường sơ cấp tại Hà Nội khoảng 111.500 căn, tại TP.HCM là khoảng 95.000 căn. Tuy nhiên, sự hấp thụ của thị trường rất yếu, cho cả 2 thị trường khoảng 5 – 7% tổng nguồn cung.

BĐS đang đối mặt với vấn đề hàng tồn kho quá lớn, DN rất khó có khả năng vực dậy, kéo theo đó là sự sụt giảm của nhiều ngành sản xuất. Nợ xấu đang rất cao cản trở việc tiếp cận nguồn tín dụng mới, và DN cũng như sản xuất liên quan không có nguồn vốn mới để tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. Nguồn vốn tín dụng là ngắn hạn chưa có công cụ tài chính trung và dài hạn cho thị trường BĐS. Bức tranh của thị trường năm 2013 được dự báo là chưa có tín hiệu đi lên.

2013, bất động sản sẽ tiếp tục giảm giá

Năm 2012 là một năm ảm đạm đối với các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, năm 2013 được dự báo khủng hoảng mới thực sự bắt đầu và bất động sản sẽ giảm giá mạnh hơn nữa.

Quy mô tín dụng của nền kinh tế Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 triệu tỉ đồng, trong đó có đến một nửa là cho vay bất động sản.

Trong năm 2012, các phân khúc nhà ở đều có xu hướng giảm giá

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đến nay, quy mô tín dụng của nền kinh tế Việt Nam đã vượt ngưỡng 2 triệu tỉ đồng, trong đó có đến một nửa là cho vay bất động sản. Điều này đã gây trì trệ cho hoạt động của nhiều ngành sản xuất khác.

Có thể thấy số vốn bị chôn vùi trong bất động sản là rất lớn, khó có thể quay vòng được vì giá bán tuy đã hạ nhưng người mua vẫn chưa muốn bỏ tiền ra. Họ tin rằng quả bóng bất động sản rồi sẽ xẹp thêm nữa nên vẫn tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.

Hơn nữa, giá nhà đất, dù đã giảm, nhưng vẫn vượt ngoài khả năng chi trả của đa số người dân.

Như vậy, quả bóng bất động sản xẹp thêm chỉ là vấn đề thời gian. Chừng 6 tháng đến một năm nữa, sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản. Lúc đó, giá có thể giảm một nửa so với hiện nay, thậm chí thấp hơn.

Trông đợi thị trường hồi phục trở lại

Sau nhiều kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành về các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, một gói giải cứu BĐS sắp thành hiện thực. Chính phủ cũng sẽ một nghị quyết về cứu BĐS.

Với hệ thống mới về luật pháp, việc xây dựng các chỉ số thị trường bất động sản, hệ thống chính sách mới kỳ vọng sẽ ban hành trong thời gian tới đây sẽ giúp thị trường phục hồi sớm ngay trong năm 2013.

Mới đây, tại buổi làm việc với Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2013 sẽ bơm ra khoảng 100 đến 150 ngàn tỷ đồng để xử lý nợ xấu, mà chủ yếu là tập trung xử lý nợ xấu bất động sản vì nợ xấu chủ yếu liên quan đến bất động sản.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cam kết sẵn sàng cung ứng 20 đến 40 ngàn tỷ đồng cho các NHTM để cho vay mua nhà với thời hạn vay dài hạn là 10 năm.

Thị trường có khả năng hồi phục trong năm tới?

Tại buổi làm việc với Hà Nội sáng 19/12, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có Đề án xử lý nợ xấu, trong phiên họp thường kỳ tới đây sẽ đưa ra. Trong phương án xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản là 70%, các ngân hàng tự xử lý (cơ cấu lại nợ) là khoảng 250.000 tỷ.

Đề án này tập trung xử lý nợ xấu bất động sản trong đó có thành lập công ty quản lý tài sản, mua lại các tài sản bất động sản với giá chấp nhận được.

Đồng thời trong buổi họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo NHNN cần hỗ trợ lãi suất cho vay đối với người mua nhà ở. Các ngân hàng cũng cần cho vay với lãi suất thấp. Nếu lạm phát kiểm soát tốt, chỉ còn khoảng 5 - 6%/năm, cộng với quỹ hỗ trợ tại địa phương thì lãi suất cho vay ưu đãi sẽ chỉ khoảng 4 - 5%/năm.

Còn theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các doanh nghiệp phải dần cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với tình hình thị trường, chia nhỏ căn hộ, phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp tự cứu mình và là hướng đi chiến lược nhằm phá tan băng bất động sản.

Với các giải pháp tổng thể và quyết liệt trên, trong năm mới 2013, hi vọng thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục và được “giải cứu”.

Theo Hoàng Anh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.