17/02/2017 9:23 PM
Lấy ví dụ về 12 tòa cao tầng chen chúc ở 3 ha đất Linh Đàm, phá nát đô thị kiểu mẫu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc quản lý.
Ngày 17/2, Tổ Công tác của Thủ tướng đã có buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng tại Bộ Xây dựng. Tại buổi làm việc, Tổ công tác của Thủ tướng đã chỉ ra hàng loạt vấn đề dư luận, báo chí quan tâm, bức xúc liên quan đến Bộ này.
Phạt cho tồn tại sai phạm?
Vấn đề đầu tiên ông Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng nhắc tới là việc quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch còn nhiều bất cập, yếu kém.
“Việc chậm lập quy hoạch chi tiết dễ dẫn đến việc bắt tay, thỏa thuận quy hoạch, cơ chế xin cho sẽ tồn tại và dẫn đến quy hoạch chung sẽ bị thay đổi”, ông Dũng nói.
Tổ công tác đánh giá và dẫn chứng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt.
Việc cấp phép xây dựng cũng còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều công trình chủ đầu tư ngang nhiên xây vượt tầng, sai phép, điển hình như dự án khách sạn Mường Thanh (Khánh Hòa), Tòa nhà 8B Lê Trực hoặc sau khi được cấp phép, chủ đầu tư tiếp tục làm thủ tục xin tăng thêm số tầng, như tòa nhà hỗn hợp Thăng Long (Yên Hòa, Cầu Giấy), Dự án 131 Thái Hà (Đống Đa)…
“Hậu quả là tăng mật độ dân số, thiếu các không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng xã hội đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt không đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại quy hoạch chung thủ đô, là khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050”, ông Mai Tiến Dũng đánh giá.
Ông cũng cho rằng vi phạm pháp luật về xây dựng xảy ra nhiều, nhưng vụ việc chỉ được phản ánh khi có sự phát hiện của người dân hoặc báo chí.
Điều đó cho thấy công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ dự án còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm khong xử lý kiên quyết, triệt để, biện pháp xử lý phổ biến thường là phạt hành chính, do đó không đủ tính răn đe. Tình trạng “phạt cho tồn tại” vẫn cứ tiếp diễn.
'Đừng để nhà đầu tư luồn lách, điều chỉnh quy hoạch'
Theo ông Mai Tiến Dũng, công tác dự báo quy hoạch đang không sát với thực tiễn phát triển của đô thị, nhiều quy hoạch bị điều chỉnh, công tác quản lý hành chính đô thị còn yếu, phản ứng chính sách chậm so với yêu cầu của thực tiễn, tình trạng quy hoạch chạy theo dự án.
Luật Xây dựng đã đưa ra các quy định nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.
Ví dụ, hơn 10 năm trước khi vẽ nên khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng, trong phạm vi chỉ có 3 ha đất mà có tới 12 tòa nhà cao tầng mọc lên, phá nát khu bán đảo…
Nêu một loạt các bất cập trong quản lý quy hoạch và trật tự đô thị, ông Dũng đặt câu hỏi: “Bộ Xây dựng đã có những hành động, biện pháp gì để kịp thời chấn chỉnh vấn đề này? Trách nhiệm của Bộ trong quản lý nhà nước đối với các dự án nhà ở quy mô trung bình và lớn như thế nào?"
Ông Dũng đặt vấn đề tại sao Bộ không sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để kiểm soát tình trạng phát triển nhà ở và các khu công nghiệp nhằm tránh tình trạng phát triển vỡ quy hoạch, quy hoạch một đằng thực hiện một nẻo.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, điều mà người dân mong muốn và Thủ tướng yêu cầu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này là Bộ Xây dựng sẽ đưa ra giải pháp cụ thể, quyết liệt gì trong thời gian tới để nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch, để diện mạo các đô thị của Việt Nam nói riêng và của đất nước nói chung thực sự đổi mới, hướng tới phát triển bền vững.
“Đừng để nhà đầu tư luồn lách, điều chỉnh quy hoạch”, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thừa nhận quy hoạch xây dựng có nhiều vấn đề bức xúc, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trần tình có nhiều loại quy hoạch bao gồm cả quy hoạch hạ tầng nên nếu xử lý không tốt sẽ dẫn tới ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác.
“Về việc điều chỉnh quy hoạch, tôi nghĩ phương thức của chúng ta không sai, nhưng cách làm thì sai.
Quy trình rất chặt chẽ, quá trình thẩm định, phê duyệt rất kỹ lưỡng nhưng điều chỉnh quy hoạch là cả vấn đề dẫn tới tính đứng đắn chưa tốt, không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm từ đó. Chúng tôi thấy rất rõ vấn đề này”, ông nói.
Về giải pháp, ông cho hay trước hết phải hoàn thiện thể chế. Bộ đang trình Chính phủ hồ sơ Luật quản lý, điều chỉnh toàn diện công tác phát triển đô thị.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, rà soát toàn bộ các quy hoạch liên quan tới bảo vệ môi trường, kiểm tra một số quy hoạch nhất là ở các khu đô thị mới hoặc các khu vực đang có bức xúc trong quý II/2017”, ông khẳng định.
Tư lệnh ngành xây dựng nhấn mạnh Bộ cũng đang phấn đấu giảm thời gian thẩm định cấp phép xây dựng xuống 20 ngày dù phải ôm thêm những công đoạn nằm ngoài quy trình cấp phép như đánh giá tác động môi trường…
Kiều Vui - Hiếu Công (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.