08/10/2020 9:40 AM
Đến nay vẫn chưa thể xác định đầy đủ thiệt hại kinh tế cho Nhà nước của các doanh nghiệp/dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.

12 dự án yếu kém ngành công thương đã lỗ trên 26.000 tỷ đồng

Ảnh minh họa/Báo Thanh niên

Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực công thương, gửi Quốc hội.

Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; Thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện, hoàn thiện chính sách pháp luật về dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ trên, công tác chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện. Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, qua đó tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Về thiệt hại kinh tế cho Nhà nước của các doanh nghiệp/dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, theo Bộ trưởng đến nay chưa được xác định đầy đủ, do có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. Vì thế, chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án nêu trên.

Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương như sau: vốn chủ sở hữu: -7.264,61 tỷ đồng; tổng tài sản: 59.152,88 tỷ đồng; tổng nợ phải trả: 63.308,82 tỷ đồng; lỗ lũy kế: 26.360,88 tỷ đồng.

Giữa năm nay, báo cáo Quốc hội về 12 dự án này, Chính phủ cho biết dư nợ của các dự án, doanh nghiệp này tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn.

Cụ thể là có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án với tổng số dư nợ đến thời điểm cuối 2019 là 20.938 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỉ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỉ đồng. Ngoài 12 dự án, doanh nghiệp, các ngân hàng còn cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư có liên quan 22.964 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trung hạn 17.263 tỷ, ngắn hạn 5.701 tỷ đồng.

Liên quan đến thời hạn hoàn thành xử lý các doanh nghiệp/dự án, trong báo cáo ngày 5/10/2020 Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020, nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021.

Thế Anh (BL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.