CafeLand chọn ra 10 dự án hạ tầng có vốn đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng đã hoàn thành trong năm 2020:
1. Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hơn 6.300 tỉ đồng (Cần Thơ – Kiên Giang)
Dự án cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công xây dựng từ giữa năm 2016 có chiều dài 51km, điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống (Cần Thơ), điểm cuối nối với tuyến tránh TP Rạch Giá (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang).
Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỉ đồng, trong đó vốn vay Hàn Quốc hơn 4.500 tỉ, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km) trở thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cao tốc này sẽ tạo ra tuyến thông suốt kết nối các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau mà không phải đi qua Quốc lộ 1A.
Dự án đã thông xe kỹ thuật từ ngày 15/10/2020 và dự kiến sẽ đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12/2020.
2. Cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long hơn 5.300 tỉ đồng (Hà Nội)
Dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng chính thức thông xe vào sáng 11/10/2020.
Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng chiều dài 5,367 km; trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831 km, gồm phần kết cấu nhịp dầm Super-T 4.426,60 m và phần kết cấu nhịp dầm thép 404,4 m.
Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa..., đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100km/h. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng (vốn ODA Nhật Bản và vối đối ứng trong nước).
Được biết, cầu Mai Dịch – Nam Thăng Long thuộc dự án đường Vành đai 3 đang được triển khai xây dựng – đây là trục giao thông đường bộ quan trọng liên kết các cụm đô thị lớn của Hà Nội và các địa phương lân cận.
3. Quốc lộ 19 mới gần 4.500 tỉ đồng (Bình Định)
Tuyến Quốc lộ 19 mới đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1 dài gần 18km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4.500 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 3.100 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 1.300 tỉ đồng. Tuyến đường này có bề rộng nền từ 30 – 50m, mặt đường từ 19 – 32m, bao gồm 6 làn xe, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Vận tốc cho phép lưu thông từ 60 – 80km/h.
4. Bến xe miền Đông mới hơn 4.000 tỉ đồng (TP.HCM)
Sau năm lần trễ hẹn, Bến xe miền Đông mới tại quận 9, TP.HCM có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng chính thức đi vào khai thác giai đoạn 1 từ ngày 10/10/2020.
Dự án Bến xe Miền Đông mới được khởi công cách đây 3 năm nhưng nhiều lần chậm tiến độ. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng 16 ha, nằm dọc mặt tiền xa lộ Hà Nội thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Công trình gồm bốn khu A, B, C, D. Trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng; khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Tổng vốn đầu tư của bến xe miền Đông mới là hơn 4.000 tỉ đồng.
5. Hai tuyến đường trọng điểm gần 2.400 tỉ đồng (Bình Định)
Tuyến đường phía Tây tỉnh Bình Định đoạn từ km 130 - km 143+787 là dự án nhóm B, có tổng mức đầu tư 1.554 tỉ đồng, với chiều dài gần 14 km, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h. Điểm đầu tuyến tại nút giao với QL 19C (địa phận xã Canh Vinh, huyện Vân Canh), điểm cuối tuyến giáp với vòng xoay nút giao thông Long Vân, phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. Dự án có quy mô bề rộng nền đường từ 22 m đến 42 m, bề rộng mặt đường từ 21 m đến 27 m, bao gồm 6 làn xe (trong đó có 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp).
Tuyến đường nối từ sân bay Phù Cát đến Khu kinh tế Nhơn Hội dài 18,5km tổng vốn đầu tư 1.825 tỉ đồng cũng vừa được thông xe kỹ thuật.
Được biết, tuyến đường có bề rộng nền đường 20,5m, mặt đường 14m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Trên chiều dài toàn tuyến có tất cả 5 cầu giao thông chính gồm: Cầu Cát Chánh (dài hơn 175m), cầu Cát Tiến (hơn 81m), cầu Cát Nhơn (hơn 121m), cầu Giác Phong (hơn 80m), cầu Nhơn Thành (hơn 41m).
6. Cầu Cổ Luỹ 2.250 tỉ đồng (Quảng Ngãi)
Cầu Cổ Lũy vượt sông Trà Khúc nối hai xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi.
Dự án cầu Cổ Lũy có tổng chiều dài khoảng 3,7km, trong đó chiều dài cầu là 1,8km. Cầu có điểm đầu giao với tuyến đường Hoàng Sa, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi và điểm còn lại kết nối với đường Trường Sa thuộc xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi.
Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2017 với tổng vốn đầu tư 2.250 tỉ đồng. Sau khi thông xe, cầu Cổ Lũy sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú. Dự án cũng nằm trong quy hoạch tuyền đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. Đây là tuyến đường ven biển kết nối giữa Quảng Ngãi với các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
7. Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn hơn 1.720 tỉ đồng (Quảng Ninh)
Tuyến đường bao biển Trần Quang Nghiễn (đường bao núi Bài Thơ và đường bao biển Trần Quang Nghiễn, TP. Hạ Long) có chiều dài 6,2km, tổng vốn đầu tư 1.726 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Đường được nâng cấp từ 4 lên 6 làn xe; vỉa hè bên trong là 5m, phía ngoài biển được đầu tư kết hợp với khuôn viên cảnh quan ngắm Vịnh Hạ Long mở rộng 28m; vị trí cuối tuyến sẽ xây dựng bãi tắm công cộng Hòn Gai với chiều dài 900m.
8. Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 hơn 1.670 tỉ đồng (Thanh Hoá)
Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 gồm phần tuyến chính dài 44,6km và phần nút giao vượt đường sắt Bắc - Nam và QL1A dài 2,4km, tổng vốn đầu tư 1.673 tỉ đồng.
Được biết, dự án nâng cấp Quốc lộ 217 giai đoạn 2 bao gồm phần tuyến chính dài 44,6km và phần nút giao vượt đường sắt Bắc - Nam và QL1A dài 2,4km. Mục tiêu của dự án là nâng cấp từ đường cấp V miền núi lên đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m, mặt đường 6m, gia cố lề 2m, đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 60 - 80km/h.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay của ADB và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 1.673 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay là 1.521 tỉ đồng (tương đương 71,14 triệu USD), phần còn lại là nguồn vốn đối ứng 152,3 tỉ đồng.
Quốc lộ 217 là tuyến đường huyết mạch nối khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hoá) với nước Lào qua của khẩu quốc tế Na Mèo tại huyện biên giới Quan Sơn.
9. Nút giao Nam Cầu Bình gần 1.500 tỉ đồng (Hải Phòng)
Nút giao Nam Cầu Bính được thiết kế xây dựng là một nút giao lập thể khác mức ngã 6 với 3 tầng: tầng ngầm, tầng mặt và cầu vượt, tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng.
Dự án được thiết kế xây dựng là một nút giao lập thể khác mức ngã 6 với 3 tầng: tầng ngầm, tầng mặt và cầu vượt.
Tầng hầm nối từ đường Bạch Đằng xuyên qua đường sắt đến đường Hồng Bàng, tầng mặt được cải tạo lại hiện trạng và cầu vượt nối từ đường cầu Bính vượt qua đường Hồng Bàng đến sông Rế (thuộc huyện An Dương).
10. Cầu Long Thịnh gần 1.200 tỉ đồng (Nam Định)
Cầu Long Thịnh vượt sông Ninh Cơ có tổng vốn đầu tư 1.158 tỉ đồng được thông xe vào ngày 28/5.
Cầu Long Thịnh được khởi công xây dựng vào tháng 1/2018 do Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư, liên danh Hanshin Engineering and Construction Co.,Ltd - Công ty CP Cầu đường Long Biên là nhà thầu xây lắp.
Dự án có tổng chiều dài hơn 2,3km, vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Hải Hậu với Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.158 tỉ đồng, từ nguồn vốn đối ứng trong nước và nguồn vốn ODA từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF).
-
Sau 5 lần trễ hẹn, bến xe miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 10/10
CafeLand – Bến xe miền Đông mới sẽ đi vào hoạt động từ ngày 10/10, phục vụ các chuyến xe từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc.