Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp hiện đang là nhu cầu hết sức bức thiết. Theo số liệu của Tổng LĐLĐVN và Bộ Xây dựng, hiện mới có 20% số người lao động tại các khu công nghiệp có chỗ ở ổn định, trong khi đa phần người lao động đang sống trong những căn nhà đơn sơ, thiếu kiên cố. Cơ chế chính sách và giải pháp nào để người thu nhập thấp cải thiện điều kiện về nhà ở là chủ đề của hội thảo do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổng hội Xây dựng VN tổ chức ngày 5.11 tại Hà Nội.
Nhà trọ công nhân KCN Thăng Long tại thôn Bàu (Đông Anh, Hà Nội).
1 triệu lao động mơ giấc mơ an cư
Theo Bộ Xây dựng, hiện khoảng cách giữa cung và cầu nhà ở cho người thu nhập thấp còn rất lớn. Tại các đô thị đang có tới 284.000 hộ đang sống trong các khu nhà ở thiếu kiên cố. Số nhà ở dưới 30m2 (dưới 7m2/người) là 1.131.000 căn hộ. Đa số công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) đều phải ở thuê nhà trọ của tư nhân trong điều kiện hầu hết chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống người lao động (NLĐ).
Ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng ban Chính sách KTXH và Thi đua khen thưởng (Tổng LĐLĐVN) - cho biết, theo khảo sát, hiện nay có khoảng trên 2 triệu LĐ đang làm việc tại các KCN-KCX trong cả nước, trong đó, có trên 70% là người ngoại tỉnh đến làm việc và có nhu cầu thuê nhà ở. Nhưng chỉ có 7-10% số này được ở trong các khu nhà được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ doanh nghiệp (DN), còn lại trên 90% số LĐ có nhu cầu thuê nhà ở phải tự thuê nhà trọ của các hộ dân xây dựng trong các khu dân cư lân cận các KCN.
Điều đáng nói, theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - dù nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn cung còn hạn chế, giá lại khá cao (0,5-1 tỉ đồng/căn), diện tích lớn nên loại nhà ở xã hội (NOXH) trên thị trường thường là do các đối tượng có thu nhập trung bình, trung bình khá mua. Bên cạnh đó, do có sự chênh lệch giá với nhà ở thương mại (NOTM) do được hưởng ưu đãi, dẫn đến nảy sinh tiêu cực trong phân phối, không đúng đối tượng. “Minh chứng rõ ràng nhất là việc triển khai gói 30.000 tỉ đồng vừa qua còn có quá nhiều vấn đề vướng mắc, thủ tục phiền hà dẫn đến tốc độ giải ngân chậm, chưa phát huy tác dụng như mong muốn. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp là 1 triệu căn, trong khi đó hiện nay mới chỉ đáp ứng hơn… 10.000 căn/năm. Việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị và KCN này đang ngày càng trở nên bức thiết và là mối quan tâm lớn của Nhà nước cũng như toàn xã hội” - ông Hùng nói.
Loay hoay tìm giải pháp
Để giải quyết những vướng mắc về nhà ở, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chính phủ cần tập trung hơn nữa nguồn vốn, quỹ đất và ưu tiên các cơ chế chính sách làm nhà ở giá rẻ để cho thuê. Với công nhân KCN, ưu tiên cho nhà ở chung cư, tập thể cho thuê; đối với phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị cần có chính sách khuyến khích tối đa cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, NOTM giá rẻ để cho thuê, mua trả góp cũng cần được chú trọng phát triển, trong đó Nhà nước chỉ quản lý quy hoạch, để thị trường cạnh tranh về giá cả. Mọi khoản tài chính Nhà nước cần tập trung vào quỹ phát triển NOXH, ưu tiên cho vay lãi suất cực thấp thông qua khoản bù lãi suất, ví dụ khoảng 0,5-1% cho người có thu nhập thấp trả góp trong 20 năm. Đối với loại hình nhà trọ của gia đình, cá nhân đầu tư cho thuê hiện đang chiếm đến 70-80% chỗ ở cho công nhân, NLĐ, cần có cơ chế ưu đãi phù hợp bên cạnh quy định cụ thể các tiêu chí bắt buộc về diện tích, tiện nghi, an toàn, môi trường và giá thành đảm bảo yêu cầu tối thiểu chỗ ở cho NLĐ.
Ông Vũ Hồng Quang đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định chi tiết những nội dung mới của Luật Nhà ở năm 2014 và sửa đổi, bổ sung những điểm bất cập phát sinh từ thực tiễn, trong đó nên tập trung các chính sách ưu đãi, dài hạn cho việc phát triển NOXH cho thuê và thuê mua để công nhân, NLĐ, người có thu nhập thấp ở đô thị có cơ hội được có chỗ ở đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định. Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, dành, tạo quỹ đất sạch để thu hút DN xây dựng nhà ở cho công nhân, tập trung dành nguồn lực cho việc đầu tư các công trình hạ tầng (nhà trẻ mẫu giáo, khu văn hoá, thể thao...)...
Ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét ban hành quy định mẫu thiết kế NOXH áp dụng bắt buộc để các chủ đầu tư thực hiện, tránh tình trạng chủ đầu tư thực hiện NOXH như với NOTM dẫn đến có sự khác biệt giá thành rất lớn giữa các dự án, gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về thời gian yêu cầu chủ đầu tư thực hiện quyết toán theo hướng dẫn vận dụng các quy định tại Thông tư số 19/2011 của Bộ Tài chính để người dân sau khi vào ở sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Ngoài ra, ông Dũng cũng lưu ý cần tăng chế tài xử lý với những trường hợp người mua nhà lợi dụng chính sách của Nhà nước để mua bán kiếm lợi.
Bình Dương: Căn hộ giá 100-150 triệu đồng được ưa chuộng: Để giải quyết nhu cầu nhà ở của NLĐ, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư 20 dự án với tổng diện tích sàn nhà ở cho công nhân khoảng 274.150m2, đáp ứng cho trên 29.000 người ở. Đến nay, có 13 dự án hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho hơn 17.000 công nhân. Dự kiến, đến cuối năm 2015 sẽ có thêm 5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 4.000 người. Những căn hộ rộng 30m2 với giá 100-150 triệu đồng, trong đó NLĐ chỉ phải trả trước 20% nên được NLĐ ưa chuộng.
Mong TPHCM có chủ trương xây thêm nhà ở xã hội: Ông Huỳnh Tấn Tài - Chủ tịch CĐCS Cty Hong IK Vina (KCX Tân Thuận, TPHCM) - cho biết: Nhiều công nhân đi làm về phải chống chọi với nước ngập vào nhà trọ đến nửa mét, anh chị em không còn thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức khỏe để ngày mai đi làm. Thử hỏi năng suất lao động ở đâu mà có?. Trong khi giá thuê nhà trọ hiện nay thấp nhất cũng 700.000 đồng/người/tháng, chưa kể điện, nước không được sử dụng đúng giá nên chi phí tăng lên rất cao. TPHCM nên có chủ trương xây dựng thêm nhà ở xã hội để công nhân được mua, thuê giống như tỉnh Bình Dương vừa thực hiện.
“Chúng tôi cũng mơ giấc mơ an cư”: Ông Trần Duy Biên (làm việc tại Cty DeaYun, KCX Linh Trung) cho biết: Đại hội Đảng bộ TPHCM vừa đề ra 7 chương trình đột phá, trong đó chương trình thứ 7 là “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị”, công nhân chúng tôi rất hy vọng qua chương trình này, TPHCM sẽ đưa vào phần phát triển NOXH cho công nhân, bởi hiện nay công nhân đang ở trong những khu nhà trọ ổ chuột, nhếch nhác, giá thuê lại cao. Khu vực Linh Trung giáp ranh với Bình Dương, nhưng ở phía bên kia, công nhân của Bình Dương có cơ hội góp tiền thuê trọ thành nhà, họ được mua NOXH với giá 100-200 triệu đồng và mỗi tháng trả góp bằng đúng tiền thuê phòng trọ, nhưng 5-10 năm sau là có nhà. Chúng tôi mong giấc mơ an cư của công nhân TPHCM cũng sẽ sớm thành hiện thực.
L.TUYẾT ghi
Nhóm PV (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.