Ghi nhận sáng 23-7 tại xã Vĩnh Lộc A, đoàn cưỡng chế đã tiến hành tháo dỡ nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép. Dư luận đang quan tâm chính quyền các cấp sẽ có chính sách gì để an dân, bởi người bị cưỡng chế nhà (đa số là người nghèo) sẽ không biết đi đâu về đâu.
Anh H., chủ nhân của một trại heo ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, bàng hoàng lo lắng không biết thu xếp đâu chỗ ở cho vợ con và “trấn an” đàn heo đang loạn trong chuồng. Trước đây, nuôi heo trong khu dân cư ô nhiễm, anh mua mảnh đất này xa dân cư dựng trại heo và sinh sống ngay trong trại. Một người hàng xóm nói: “Tội cho nó nghèo, dựng có cái trại heo mà đây là lần cưỡng chế thứ tư rồi. Tui biết nó chung chi thì mới được tồn tại tới bây giờ, còn nếu không thì…”.
Chuyện bảo kê là chắc chắn, nhưng cụ thể thế nào phải chờ kết luận của cơ quan chức năng. Bởi xây một căn nhà trái phép, dù quy mô to hay nhỏ đều mất thời gian cả tháng, cán bộ không thể không biết. Vì vậy, việc bảo kê tại những khu vực có hàng trăm căn mọc lên như nấm sau mưa là có. Những đối tượng này là ai cần sớm được làm rõ và có hình thức xử lý nghiêm. Ông Phan Đức Nhạn, |
Cách đó không xa, trên đường Quách Điêu, thuộc ấp 5, xã Vĩnh Lộc A, ngôi nhà bê tông cấp 4 kiên cố do một gia đình ở quận Tân Bình xây cách đây 2 tháng đã bị lực lượng cưỡng chế kéo đổ. Nhờ được thông báo từ trước, chủ nhân ngôi nhà này đã kịp dọn dẹp đồ đạc bên trong và đưa vợ con tìm nơi tá túc trước khi bị cưỡng chế.
Còn nhớ vào năm 2003, khi chưa hình thành lực lượng TTXD, quận Tân Bình đã ra quân dẹp nhà trái phép. Dù chính quyền TP đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn nhưng một số nơi vẫn phát sinh điểm “nóng” phân lô bán nền, xây dựng trái phép. Hay như trên địa bàn huyện Hóc Môn, năm 2006, thầu xây dựng cất khoảng 1.000 căn nhà trái phép trên địa bàn 2 xã Thới Tam Thôn. Hậu quả là 28 cán bộ, đảng viên xã bị kỷ luật.
Đến năm 2009, xã Thới Tam Thôn còn phát hiện thêm hàng trăm ngôi nhà không phép. Hay tại khu dân cư Ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp), do quy hoạch treo tồn tại quá lâu, vài trăm căn nhà xây dựng không phép mọc lên như nấm sau mưa.
Để siết chặt quản lý về xây dựng trái phép, từ năm 2007 đến nay, TPHCM đã thí điểm lực lượng TTXD ở các cấp quận/huyện và phường/xã. Trước ngày 15-5-2013 (Nghị định 26 có hiệu lực), TPHCM có hơn 2.900 nhân viên TTXD quận/huyện và phường/xã.
Sau 6 năm thí điểm, số nhân viên TTXD không ngừng tăng lên, song các chuyên gia đầu ngành cho rằng chất lượng của đội ngũ này thực sự có “vấn đề” cả về trình độ học vấn, nghiệp vụ và kiến thức chuyên ngành. Hơn nữa, TTXD còn lấn sân “tung hoành” ở các lĩnh vực tay trái như trật tự giao thông, đô thị, vệ sinh môi trường gây bức xúc cho người dân.
Căn nhà xây dựng trái phép trên đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A |
Trong khi đó, công tác chuyên môn và trách nhiệm được giao, đội ngũ TTXD tỏ ra buông lỏng, tiêu cực. Minh chứng cụ thể là để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, trái phép khắp nơi, đủ mọi cấp độ, tính chất và quy mô, điển hình tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vừa qua.
Theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Xây dựng có hiệu lực từ ngày 15-5-2013, TTXD quận, huyện, phường, xã, thị trấn tại TP Hà Nội và TPHCM chính thức giải tán, chuyển sang hoạt động chính quy thuộc cấp bộ và cấp sở. Tại TPHCM, Thanh tra Sở Xây dựng TP chỉ còn 1.060 thanh tra viên (so với trước đó là 2.963), chia làm 24 đội TTXD ở các địa bàn được đặt tên theo các quận, huyện. Đội TTXD đông nhất là đội Củ Chi có 73 người, đội Bình Chánh có 70 nhân viên, ít nhất là đội TTXD quận 5 có 25 nhân viên.
Kể từ 15-5, tưởng chừng việc sắp xếp, chọn lọc, cấu trúc lại TTXD sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý. Song, số vụ vi phạm xây dựng trái phép lại tăng chóng mặt. Không ít cán bộ địa phương khi được hỏi vì sao tình hình xây dựng trái phép “nở rộ” trong vài tháng qua đều có chung câu trả lời: “Do bị tinh giảm nhân viên thanh tra, còn lại 50% so với trước, quá mỏng nên quản lý không xuể!”.
Như vậy, đối chiếu giữa 3 giai đoạn: trước và sau khi lực lượng TTXD thành lập thí điểm, nay nâng lên ở mức độ “chính quy”, tình hình quản lý trật tự xây dựng đô thị chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Quản vẫn quản, siết vẫn siết, nhưng hầu như địa phương nào cũng có nhà trái phép, phân lô bán nền ồ ạt, tùy theo thời điểm “sốt” đất.