Chưa hiệu quả
Ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho biết hình thức đầu tư PPP tại các dự án thí điểm chưa mang lại hiệu quả đáng kể.
Trong số hơn 20 dự án các địa phương, bộ, ngành trình Chính phủ chỉ có vài dự án khả thi nhưng chưa cao. Cụ thể, hiện chỉ có duy nhất dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết lập báo cáo khả thi, các dự án còn lại đang nghiên cứu tiền khả thi.
Tạo hành lang pháp lý vững vàng để thu hút tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng, |
Sở dĩ có tình trạng này do không thống nhất về khái niệm, thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ đối với hoạt động hợp tác theo phương thức “đối tác công tư” hay “xã hội hóa”, nên các cơ quan nhà nước đã áp dụng không thống nhất chính sách đầu tư và pháp luật điều chỉnh đối với một dự án có sự hợp tác của khu vực tư nhân.
Có thể thấy, nhiều dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa… được kêu gọi dưới hình thức xã hội hóa nhằm tránh né những điều kiện, thủ tục áp dụng cho một dự án đối tác công tư. Chỉ trong một số ít dự án quy mô lớn, cần sự phê duyệt của Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới được gắn “mác” là đối tác công tư và liệt kê trong “Danh mục kêu gọi đầu tư”.
Theo TS.Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, thực tiễn ở TPHCM trong nhiều năm qua cho thấy sự đúng đắn của chủ trương xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có loại hình BOT, BT đối với các công trình giao thông; loại hình hỗ trợ lãi suất, miễn giảm tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi…
Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến khía cạnh pháp lý về mối quan hệ giữa Nhà nước-t
ư nhân trong quá trình đầu tư, về chính sách ưu đãi ở tầm vĩ mô cần phải được giải quyết. Do đó, một đạo luật do Quốc hội ban hành là yêu cầu cấp thiết để thực hiện một chủ trương lớn của Đảng về xã hội hóa đầu tư, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, trên thực tế, quyết định này chưa đủ bảo đảm một khuôn khổ pháp lý để vận hành mô hình PPP và không đủ mức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Mặt khác, nếu các địa phương và các ngành có điều kiện thực hiện hình thức đầu tư này bằng các chính sách “sáng tạo” riêng của mình sẽ dẫn đến sự tùy tiện trong chính sách và không bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý cho các bên.
Cần nâng cấp pháp lý
Trong điều kiện TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông rất lớn. Giai đoạn 2006-2010, trong tổng số 30.850 tỷ đồng đầu tư, nguồn vốn ngân sách chi cho hoạt động xây dựng cơ bản và duy tu hạ tầng giao thông, vận tải công cộng là 11.197 tỷ đồng (chiếm 36,4%), nguồn vốn ODA là 10.836 tỷ đồng (chiếm 25,2%), nguồn vốn khác là 8.817 tỷ đồng (chiếm 28,4%). Nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của TP giai đoạn 2011-2015 ước tính khoảng 880.000 tỷ đồng, tương đương 42 tỷ USD. Với nguồn ngân sách TP hạn hẹp, nguồn vốn ODA cũng dần bị teo tóp, cần phải đẩy mạnh các nguồn vốn huy động khác. PGS.TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, |
Theo TS. Trần Du Lịch, có 4 lý do cần thiết để ban hành Luật Đối tác công tư nhằm tạo ra một hành lang pháp lý vững vàng làm cơ sở cho tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. PPP (Public Private Parnership) là mô hình huy động nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và hàng hóa công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật xã hội, xử lý môi trường, đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong vài thập niên qua.
Đây là hình thức xã hội hóa đầu tư nhằm mục đích vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, vừa đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.
Hơn nữa, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2010-2020, cần tập trung huy động mọi nguồn lực có thể để thực hiện mục tiêu trên.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách hữu hạn, ước chỉ bảo đảm 20-30% nhu cầu đầu tư, cần có chính sách để huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.
Nguồn lực này phải được huy động bằng chính sách và cơ chế mang tính đột phá, đủ sức hấp dẫn khu vực tư nhân đầu tư. Qua đó xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho quá trình xây dựng, triển khai thực hiện và sự vận hành của dự án đầu tư.
Đã đến lúc cần phải chấm dứt hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng). Và để tránh tiêu cực trong cơ chế xin-cho, dự án đầu tư phải đấu thầu rộng rãi, đất đai phải tổ chức đấu giá.