16/10/2016 6:35 PM
Ngày 26.9, Báo Lao Động đăng bài “Mở rộng trụ sở, lấy đất của dân”. Nội dung bài báo phản ánh chuyện tréo ngoe ở quận 9, TP HCM, xung quanh việc UBND quận 9 lấy hơn 3.000m2 đất của dân để mở rộng trụ sở, nhưng không đền bù một đồng nào, gây bức xúc trong công luận…

Ngay sau phản ánh của Báo Lao Động, ngày 5.10.2016, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã ra công văn số 1948/TCQLĐĐ-CKSQLĐĐ, gửi UBND TP HCM. Theo đó, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết đã thu thập được thông tin từ báo chí, xung quanh sự vụ trên.

Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị UBND TPHCM “chỉ đạo kiểm tra làm rõ nguồn gốc sử dụng đất của gia đình ông Nguyên. Nhất là việc sử dụng đất trước năm 1970, giấy tờ mua bán và việc xác nhận của chính quyền xã, văn bản số 2774 ngày 23.7.1998 của UBND TP HCM, để giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”. Tổng cục Quản lý đất đai yêu cầu UBND TPHCM, sau khi kiểm tra xác minh, gửi báo cáo về Tổng cục Quản lý đất đai trước ngày 30.11.2016.

Trong khi đó, ngày 12.10.2016, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng ra văn bản số 4315/BTNMT-TTr, gửi UBND TP HCM, về giải quyết, xử lý vụ việc trên. Theo đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường yêu cầu UBND TPHCM “chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân” xung quanh vụ lấy đất của dân để mở rộng trụ sở của UBND quận 9.

Năm 1970, ông Châu Văn Nguyên mua từ ông Hoàng Thụy Ngô và bà Huỳnh Thị Năm, tổng cộng là 7.194m2 đất, tại xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức (cũ). Việc mua bán hợp pháp đã được chính quyền chế độ cũ xác nhận cụ thể, rõ ràng. Sau đó, cả gia đình ông Nguyên cất nhà, sinh sống trên khu đất này. Năm 1980, chính quyền địa phương mở rộng sân vận động, có thu hồi 586m2 đất của ông Nguyên và bồi thường hoa màu trên phần đất này.

Năm 1987, vợ ông Nguyên là bà Lê Thị Kim Vân làm đơn xin sửa chữa nhà và đã được phòng xây dựng huyện Thủ Đức lúc đó cấp phép. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu gieo xuống gia đình ông Nguyên là từ một văn bản của UBND huyện Thủ Đức ra ngày 25.7.1990, mang số hiệu 1181/QĐ-UB. Thực tế, đất ông Nguyên mua từ năm 1970, có xác nhận của chính quyền chế độ cũ hẳn hoi, nhưng không hiểu dựa vào đâu, UBND huyện Thủ Đức lại phán 3.614m2đất (trong tổng số 7.194m2) của gia đình ông Nguyên là “chiếm sử dụng đất trái phép” (?).

Kể từ đây, ông Nguyên bắt đầu hành trình khiếu nại văn bản 1181, đòi lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) hợp pháp cho gia đình mình. Thế nhưng, thay vì công nhận và cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Nguyên (như quy định tại điều 2 của Luật Đất đai năm 1993), thì suốt 30 năm qua, các cấp chính quyền UBND huyện Thủ Đức (nay là quận 9) và TP HCM, tìm mọi cách… thôn tính bằng được 3.614m2 đất trên.

Bất ngờ mới đây, ngày 18.1.2016, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, thuộc UBND quận 9, ra văn bản số 41/KH-QLCT, về kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án xây dựng nâng cấp trụ sở hành chính quận 9. Văn bản trên có nội dung “dự kiến” thu hồi toàn bộ 3.614m2 đất của ông Châu Văn Nguyên (nay do con ông Nguyên là ông Châu Tuấn Quốc kế thừa trực tiếp sử dụng). Điều đáng nói, văn bản này tiếp tục quy chụp khu đất trên là “đất công”, nên giá bồi thường cho 3.614m2 đất là… 0 đồng (?).

Được biết, vào ngày 7.10 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết có tình trạng một số địa phương, dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết, dù công dân đã cung cấp thêm thông tin, tài liệu chứng minh việc tranh chấp, khiếu nại là có cơ sở. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Hồi tôi làm trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án quốc lộ 1, có trường hợp tôi hỏi tại sao bác chưa đi, người ta trả lời rằng “tôi ở đây 40 năm rồi, từ sau giải phóng đến nay, nhưng các anh chị nói chúng tôi không có giấy tờ”. Người ta ở ổn định hơn 40 năm rồi còn đòi giấy tờ gì nữa. Rồi vin nhiều lý do khác nhau để từ chối giải quyết”.

Cho rằng để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp thì nguyên nhân chủ quan là chính, đặc biệt là người đứng đầu thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực, Thủ tướng yêu cầu: “Bí thư, chủ tịch, nhất là ở cấp huyện, xã phải biết trong địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc. Phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết.

Nếu cứ né tránh, để lâu thì người dân sẽ khiếu kiện vượt cấp. Phải tôn trọng, lắng nghe dân, giải quyết phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn. Tôi đề nghị hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải đặt mình vào vị trí bức xúc của người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo”.

Khu đất có diện tích hơn 3.400m2, nằm kề UBND quận 9.

Dù đất đang tranh chấp, nhưng UBND quận 9 vẫn lên kế hoạch gọi là... "khái toán", mở rộng, xây dựng trụ UBND quận 9 trên đất của người dân đang sinh sống mà không bồi thường, gây phẫn nộ trong dư luận.
Hoàng Hưng (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.