Báo GĐ&XH trong các số 121 và 122 đã phản ánh thực trạng chính sách nhà thu nhập thấp có nguy cơ “hụt hơi”, giải pháp Quỹ tiết kiệm nhà ở còn nhiều bất cập.
Để tiếp tục cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng thể về vấn đề hết sức quan trọng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm (ảnh nhỏ), Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam.

Theo thống kê hơn 2 năm qua, mới chỉ có 5/39 dự án nhà ở thu nhập thấp (TNT) được vay vốn ưu đãi (khoảng 740 tỷ đồng), doanh nghiệp phát triển nhà TNT đang gặp khó về vốn, thưa ông?


- Với các doanh nghiệp phát triển nhà, dù là nhà ở TNT hay nhà ở thương mại thì nhu cầu về vốn là rất lớn. Để có vốn, các doanh nghiệp phải tìm đến các ngân hàng. Các ngân hàng mới là nguồn cung cấp tài chính chính cho các doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Tuy nhiên, các ngân hàng có cho vay hay không lại là chuyện khác. Các ngân hàng sẽ cho vay nếu họ thấy dự án hiệu quả, đạt lợi nhuận cao, nhưng ngược lại họ sẽ không cho vay.


Hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn, doanh nghiệp khó vay vốn hoặc phải vay với lãi suất cao. Đó là lúc ta cần tới công cụ của Nhà nước. Nhà nước luôn nói là khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở thu nhập thấp, nhưng tôi thì chưa thấy điều đó. Chẳng hạn, như hiện nay khi các doanh nghiệp phát triển nhà thu nhập thấp cần vốn mà phải là vốn với lãi suất thấp thì Nhà nước cần hỗ trợ.


Theo ý ông, tức là Nhà nước nên hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phát triển nhà TNT?


- Đúng thế. Như tôi thấy mức lãi suất hiện nay là quá cao, doanh nghiệp không thể chịu đựng được. Nhà nước có thể hỗ trợ về lãi suất và cả về đất, như tiền thuê, thuế... Nhưng quan trọng hơn là hỗ trợ cho chính người mua, những người có nhu cầu nhà ở mà không có đủ sức.


Về Quỹ tiết kiệm nhà ở, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:
Hầu hết những người thu nhập thấp đều không thể mua được nhà thuộc
dự án nhà thu nhập thấp. Ảnh: Chí Cường

Có lẽ điều này đúng, vì nhiều dự án TNT đang “ế”. Nhưng người mua cần được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?


- Trước hết phải hiểu cho đúng thế nào là người TNT. Người mua nhà mà trả tiền ngay được thì là người trung lưu rồi chứ không phải người TNT. Cần phải hiểu người TNT là người không đủ tiền để mua nhà, không đủ khả năng chi trả để mua được nhà dù là giá rẻ. Muốn người ta mua thì Nhà nước phải giúp tăng khả năng chi trả của người TNT. Chẳng hạn, người TNT không đủ trả tiền mua, chỉ có khả năng chi trả 20% thôi thì Nhà nước phải hỗ trợ người ta 80% còn lại. Tức là người mua nhà TNT sẽ trả 20% ban đầu, còn 80% còn lại Nhà nước sẽ hỗ trợ để họ có khả năng trả dần. Phải biết rằng, người bán sẽ không cho trả dần vì người ta phải quay vòng vốn thật nhanh. Không thể hy vọng hay ép buộc người bán cho người mua trả dần, nên cái này Nhà nước phải hỗ trợ. Tức là ta phải có một cái quỹ. Nhưng hiện nay, Nhà nước cũng không có quỹ nào cả, chúng ta chỉ khuyến khích suông, động viên suông. Nếu tôi là người nghèo, thì dù có nhu cầu nhà ở rất lớn, nhà giá rẻ có đầy ra đấy thì tôi vẫn cứ không mua nổi nhà.


Tức là ông ủng hộ Quỹ tiết kiệm nhà ở?


- Cái đó là cái hàng đầu phải làm. Giúp đỡ người TNT là giúp cho chính người TNT chứ không phải chỉ cho doanh nghiệp.


Nhưng với khoản 1% trích ra từ lương liệu có đủ không, thưa ông?


- Không thể làm theo kiểu ấy được. Theo tôi phải lấy tiền từ đất. Hiện nay, lợi nhuận từ đất, từ bán các loại nhà của Nhà nước... các anh đem đi tiêu vào đâu hết(?). Ta phải trích từ các khoản này, một là thuế đánh vào thu nhập cao, phải một phần đem ra dùng để giúp đỡ cho người TNT, như vậy mới là điều tiết thu nhập xã hội. Thứ hai, là các khoản thu từ đất khác như: Thuế trước bạ, tiền bán đất, cho thuê đất... phải trích ra để hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, để giúp đỡ cho người TNT, còn nếu chỉ trông mong vào người ta đóng góp thì được bao nhiêu.


Ông có cho rằng, dù đang gặp khó khăn, nhưng phát triển nhà ở TNT là chủ trương cần khuyến khích trong bối cảnh hiện nay?


- Theo tôi hiện nay, có 2 lĩnh vực mà nền kinh tế đang suy thoái luôn luôn có nhu cầu. Một là phát triển hạ tầng. Bởi vì phát triển hạ tầng để 3-5 năm sau, không phải là bây giờ dùng. Chả nhẽ nền kinh tế cứ trì trệ mãi. Đến lúc nền kinh tế phát triển đòi hỏi hạ tầng mà hạ tầng chưa có thì có phải là kìm hãm nó không. Do đó, ở các nước khi nền kinh tế suy thoái họ đều nghĩ đến phát triển hạ tầng. Họ bỏ tiền ra phát triển hạ tầng, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ vật liệu xây dựng... giúp cho kinh tế phục hồi.


Nhà cho người TNT cũng vậy. Nhà TNT thì dù kinh tế phát triển hay không thì họ luôn có nhu cầu. Cần biết 1 đồng anh phát triển nhà ở, có nghĩa là anh đã huy động thêm 3 đồng nữa phát triển. Bởi vì người dân họ có nhà rồi, thì vật liệu cũng bán được, xây dựng có việc làm, vận tải có việc làm, kể cả tivi, tủ lạnh, điều hoà, đồ gia dụng cũng bán được... tất cả cái đó làm sức mua của thị trường tăng lên. Cho nên nhà ở cho người TNT và kết cấu hạ tầng đều là thích hợp để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu.

Theo Đắc Kiên (Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.