Khu vực Nam Trung bộ có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế chung của cả nước. Những năm qua, diện mạo kiến trúc đô thị các tỉnh khu vực này đã có những đổi thay tích cực, là động lực thúc đẩy nền kinh tế của địa phương và khu vực. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và đô thị hóa, thì các tỉnh Nam Trung bộ như Phú Yên, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phải vượt qua để phát triển bền vững trong bối cảnh hội


Ảnh minh họa.

Vậy làm sao để các tỉnh Nam Trung bộ phát triển bền vững mà vẫn giữ được bản sắc riêng của mình; làm sao để các tỉnh Nam Trung bộ tạo thành những vùng kinh tế hỗ trợ lẫn nhau những thế mạnh một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế và văn hóa; làm sao để tạo ra nguồn lực kiến trúc sư đáp ứng được sự nghiệp kiến tạo diện mạo đô thị Nam Trung bộ hiện đại mang bản sắc riêng… Đó là những trăn trở tại hội nghị khoa học “Kiến trúc Nam Trung bộ - Bảo tồn, hội nhập, phát triển bền vững” do Hội KTS Việt Nam và Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức diễn ra tại TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 31/01 vừa qua với sự hiện diện của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc, đại diện Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng, đại diện lãnh đạo các Sở Xây dựng, Hội KTS các tỉnh Nam Trung bộ, Viện KHCNXD và đông đảo KTS, nhà khoa học, nhà giáo đến từ các Trường ĐH: Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc TP.HCM, Xây dựng Miền Trung, Tôn Đức Thắng. Với 23 tham luận khoa học, Hội nghị đã tập trung vào 4 vấn đề lớn, đó là: Nhận diện kiến trúc truyền thống Nam Trung bộ; Bảo tồn và khai thác tinh hoa của kiến trúc truyền thống để vận dụng sáng tạo vào thiết kế kiến trúc hiện đại; Quy hoạch đô thị Nam Trung bộ hướng tới phát triển bền vững; Hướng đào tạo KTS cho các tỉnh Nam Trung bộ.

Nằm dọc theo chiều dài hơn 1.000km ven biển, có lịch sử văn hóa hơn 4.000 năm, khu vực Nam Trung bộ là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với núi, rừng và biển xanh, cát trắng đầy thơ mộng và những danh thắng như Núi Nhạn, vịnh Vũng Rô, đầm Ô Loan, vịnh Vân Phong - Nha Trang - Cam Ranh, bãi biển Nha Trang… Có kho tàng di sản kiến trúc vô giá, từ nhà Lá Mái, nhà Rường, hệ thống đền tháp Chăm như Thánh địa Mỹ Sơn, các tháp, cụm tháp Po Klaung Giarai, Hòa Lai, Bằng An, Chiên Đàn, Cánh Tiên, Bánh Ít, Dương Long, Tháp Nhạn… cho đến cấu trúc làng truyền thống, đô thị cổ Hội An. Đó là tiềm năng to lớn, hấp dẫn để phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch. Việc bảo vệ di sản thiên nhiên (vịnh, bãi biển, rừng) và di sản kiến trúc là việc làm cấp bách để những di sản này không bị khai thác bừa bãi (như vịnh Nha Trang) và xuống cấp, thậm chí có nguy cơ bị biến mất như một số tháp Chăm, nhà Lá Mái. Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái phát huy lợi thế của cảnh quan thiên nhiên, địa hình… là hướng phát triển bền vững trong tương lai cho TP Tuy Hòa và các đô thị ven biển Nam Trung bộ.

Bàn về đào tạo nguồn lực KTS cho các tỉnh Nam Trung bộ, đại diện các trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP.HCM đã đưa ra một số mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới hiện đang được áp dụng trong đào tạo KTS những năm gần đây để Trường ĐH Xây dựng Miền Trung tham khảo như đào tạo cử nhân thiết kế đô thị, cử nhân thiết kế cảnh quan, hay đưa vào chương trình đào tạo KTS các môn học xanh và tiết kiệm năng lượng, thiết kế thông minh, thiết kế tích hợp. Chia sẻ với Hội nghị, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, muốn các tỉnh Nam Trung bộ phát triển nhanh và bền vững, thì quy hoạch đô thị Nam Trung bộ phải rất quan tâm đến phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông, trong đó có đường cao tốc (việc chưa xây dựng đường cao tốc là một hạn chế rất lớn đến chiến lược phát triển này). Sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển của các tỉnh trong khu vực chưa được phát huy vì thiếu quy hoạch vùng tỉnh Nam Trung bộ. Phát triển đô thị phải quan tâm đến bảo tồn di sản, cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa địa phương và thích ứng trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu. Hiện nay chúng ta có 21 trường đào tạo KTS. Vậy Trường ĐH Xây dựng Miền Trung đào tạo KTS cho khu vực Nam Trung bộ như thế nào để phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện thực tế của địa phương là vấn đề lớn, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của lãnh đạo Nhà trường, mà còn của chính quyền địa phương, của Bộ Xây dựng. Theo ông, hướng đào tạo cử nhân kiến trúc, gắn việc học lý thuyết với thực hành (một thế mạnh của nhà trường), trong thời hạn từ 3 đến 4 năm là thích hợp. Bởi vì bên cạnh một số ít KTS sáng tác, thì hiện nay chúng ta rất thiếu đội ngũ cử nhân kiến trúc có khả năng triển khai các bản vẽ kỹ thuật, phục vụ cho công tác thiết kế kiến trúc, thiết kế cảnh quan và thiết kế đô thị.

Sẽ còn nhiều vấn đề phải được nghiên cứu sâu cho phù hợp với thực tiễn phát triển của Phú Yên và các tỉnh Nam Trung bộ, mà Hội nghị khoa học nói trên không phải là lần cuối cùng.

KTS Phạm Thanh Tùng (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.