24/09/2015 10:33 PM
TPHCM còn 31 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tập trung ở các quận huyện ngoại thành.

Nhiều ngôi nhà kiên cố ở phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức bị nuốt trôi xuống sông

Dù cơ quan chức năng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình chống sạt lở, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả.

Sống chung… với sạt lở

Theo tìm hiểu của PV, tại Q. Thủ Đức có 6 vị trí sạt lở trong đó các hộ dân đang sinh sống tại khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức là một trong những khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Điển hình vào lúc 23h30' ngày 1/7 tại khu vực bờ tả ven sông Sài Gòn ở phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức bị sạt lở trầm trọng làm 7 nhà dân bị sạt lở xuống sông.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND Q.Thủ Đức và UBND phường Hiệp Bình Phước đã tổ chức di dời dân ra khỏi 3 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, đồng thời phong tỏa khu vực sạt lở không cho người dân ra, vào khu vực này.

Ngày 24/9, tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Đình Quang ở số nhà 57/25 đường số 7, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, một trong những hộ dân bị sạt lở đêm 1/7 chia sẻ: “Nhiều năm nay gia đình tôi sống chung với sạt lở. Mỗi lần sạt lở phần đất ở vườn và đường vào nhà đều bị cuốn trôi xuống sông, tôi đã tốn nhiều tiền để gia cố nhưng vẫn không trụ được. Hiện giờ cuộc sống gia đình rất khó khăn bởi không có tiền để tiếp tục gia cố, hơn nữa nhà tôi nằm trong diện quy hoạch nhưng không biết lúc nào TP đầu tư xây bờ kè. Để sớm được di dời khỏi vị trí sạt lở nguy hiểm, mong chính quyền hoán đổi nhà đất hiện trạng với quỹ nền đất tái định cư trên địa bàn Q.Thủ Đức”.

Nói về những điểm sạt lở, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Q. Thủ Đức cho biết: Hiện nay, toàn tuyến bờ tả ven sông Sài Gòn trên địa bàn Q.Thủ Đức đang xuống cấp, trong khi mực nước triều cường do biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao, có nguy cơ tràn và bể bờ.

Thực hiện sự chỉ đạo của các Sở ngành TP về việc đảm bảo chống sạt lở, ngập lụt đối với khu vực này cũng như kết hợp cùng với các dự án đã được đầu tư phát huy hiệu quả cao. Sau khi rà soát toàn tuyến bờ tả sông ven sông Sài Gòn trên địa bàn quận, trước mắt, UBND quận xin đề xuất thứ tự ưu tiên cho bốn đoạn bờ bao xung yếu nhất của bờ tả ven sông Sài Gòn gồm: Từ cầu Bình Phưóc đến giáp ranh nhà máy đay Indira Gandhi; từ cuối Công ty May Sài Gòn 3, KP 1, P. Hiệp Bình Phước đến Km 0+838; từ dự án do khu đường sông là chủ đầu tư, KP 3, P. Hiêp Bình Phước đến đầu dự án cùa công ty Vạn Phúc; từ ranh công ty Hòa Bình đến ranh công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn.

Tổng kinh phí dự kiến cho 4 đoạn ưu tiên trên khoảng 444,192 tỷ đồng với tổng chiều dài 1.345m.

31 vị trí sạt lở nguy hiểm

Theo Sở GTVT, hiện TP có 44 vị trí sạt lở trong đó có tới 31 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm tập trung ở các huyện Nhà Bè, Cần giờ, Thủ Đức, Bình Thạnh, Q. 2… Riêng huyện Nhà Bè có tới 16 vị trí trong đó mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm chiếm tới 14 vị trí.

Tại các khu vực sạt lở, Sở GTVT đã chỉ đạo Khu Quản lý đường thủy nội địa cắm biển cảnh báo và phối hợp với chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến sạt lở để kịp thời cảnh báo nhân dân phòng ngừa và tránh các thiệt hại đáng tiếc khi sự cố xảy ra.

Ông Phan Công Bằng,Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy thuộc Sở GTVT TPHCM cho biết, một số vị trí hiện nay đang gặp khó khăn chưa triển khai được là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng của một số dự án xây dựng kè bảo vệ bờ do UBND các quận, huyện chậm (như Q. 2, Q. 9, Q.Bình Thạnh, huyện Nhà Bè…) đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của các dự án.

Ngoài ra, do một số dự án phải thực hiện lại việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư gây chậm trễ ảnh hưởng đến tính chất cấp bách của dự án. Chẳng hạn dự án sạt lở đặc biệt nguy hiểm như “xây dựng bờ kè chống sạt lở đoạn đường bến Bình Đông, Q. 8”, ông Bằng nói.

Bên cạnh đó, tình trạng san lấp, xây dựng trái phép lấn chiếm sông và trên hành lang bờ sông, kênh, rạch vẫn còn tồn tại đã làm thu hẹp dòng chảy, gia tăng tải trọng tạo áp lực gây sạt lở như trên tuyến rạch Xóm Củi (huyện Bình Chánh). Việc khai thác cát bừa bãi với quy mô lớn ở khu vực (đặc biệt trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai...) và các vùng phụ cận làm thay đổi chế độ dòng chảy của sông gây mất cân bằng bùn cát dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch.

Trước thực trạng trên Sở GTVT đề nghị đối với các vị trí bờ sông sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm giao UBND các quận, huyện tổ chức di dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở. Đồng thời thông báo khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo thực hiện các dự án xây dựng kè bảo vệ bờ đúng tiến độ và phát huy hiệu quả.

Phương Loan (Báo Giao Thông)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.