Các phương án sử dụng đất thời hậu di dời của hệ thống cảng trên sông Sài Gòn đã được tính toán nhưng chính quyền TPHCM chưa thông qua Đồ án quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị khu trung tâm.
Trong đó có dãy bờ Tây sông Sài Gòn. Hàng triệu mét vuông đất chạy dọc theo sông Sài Gòn thuộc các cảng này là một khối tài sản khổng lồ dù chưa thể khai thác.

Hiện cảng Tân Cảng cơ bản đã hoàn tất việc di dời về Cát Lái và Cái Mép. Trên 720.000 mét vuông đất tại đây đang được sử dụng làm trung tâm giao nhận hàng hóa, kho CFS, kho nội địa và bãi chứa container. Thế nhưng, theo ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trong tương lai gần khu đất này sẽ được xây dựng thành Trung tâm Xúc tiến thương mại hàng hải.

Nằm ở vị trí đắc địa (phía Bắc giáp cầu Sài Gòn, phía Nam giáp dự án Sài Gòn Pearl, phía Đông giáp sông Sài Gòn, phía Tây giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh) thuộc khu trung tâm TPHCM, dự án Trung tâm Xúc tiến thương mại hàng hải này sẽ có trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, khu cao ốc văn phòng, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp, trung tâm phân phối hàng hóa hiện đại, cao tầng...

Kế Tân Cảng là bán đảo Ba Son thuộc Xí nghiệp liên hiệp Ba Son cũng nằm trong diện phải di dời theo nghị quyết của Bộ Chính trị. Khu đất hơn 300.000 mét vuông thuộc phường Bến Nghé, quận 1 này tuyệt đẹp. Vì vậy, sau khi Nhà máy Đóng tàu Ba Son di dời về Cái Mép, Bộ Quốc phòng dự định sẽ bán đấu giá khu đất này.

Nhưng để khu đất này bán được giá, các đồ án quy hoạch cho khu vực này đã được lập (chưa được thông qua) là khu thương mại - dịch vụ với hệ số sử dụng đất rất cao (8-10), gồm rất nhiều cao ốc. Cũng có những ý kiến đề xuất xây dựng Ba Son thành khu tổ hợp đa chức năng, có cao ốc văn phòng, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, khách sạn, sân khấu thời trang...

Cảng Sài Gòn cũng thuộc diện phải di dời và những toan tính cho việc sử dụng 500.000 mét vuông đất tại đây (sau di dời) cũng đã có. Theo đề xuất của Công ty Tư vấn Nikken Sekkei, đơn vị đang giúp TPHCM hoàn thiện thiết kế đô thị khu trung tâm, khu vực cảng Sài Gòn có chức năng chính là dịch vụ, thương mại, nhà ở, giải trí, văn hóa, y tế, giáo dục và những mảng cây xanh liên tục dọc bờ sông.

Vì vậy, ông Huỳnh Văn Cường, Phó tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, cho biết đã có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu và muốn đầu tư. Cảng Sài Gòn đã có một số phương án sau khi quy hoạch chi tiết của khu đất được duyệt, đó là bán đấu giá, hoặc kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư góp cổ phần vào dự án này.

Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở Kiến trúc - Quy hoạch TPHCM, dự kiến 29.500 mét vuông của cảng Tân Thuận Đông và 320.000 mét vuông của cảng Bến Nghé cũng sẽ được quy hoạch thành những khu thương mại - dịch vụ hỗn hợp và công viên bờ sông.

Ông Thụ cho biết, theo thiết kế đô thị khu vực dãy bờ Tây sông Sài Gòn mà Nikken Sekkei đang thực hiện, khu vực này sẽ có nhiều nhà cao tầng (từ 30-220 mét) nhưng cũng chừa 50 mét bờ sông để làm công viên. “Đồ án quy hoạch thiết kế đô thị khu trung tâm, trong đó có dãy bờ Tây sông Sài Gòn, đang được Nikken Sekkei hoàn thiện; dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ trình lãnh đạo thành phố phê duyệt”, ông Thụ nói.
Theo Đá Bàn (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.