Nhiều tồn tại trong Luật Đất đai 2003 đã được khắc phục và sửa đổi trong Luật Đất đai mới.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Để việc thực thi luật có kết quả tốt, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức triển khai thi hành luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan phát thanh, truyền hình, các báo tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Bộ cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...
Theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, việc tổ chức thi hành Luật Đất đai là một quá trình và phải được triển khai toàn diện, đồng bộ; trước mắt trong hai năm 2014 và 2015 phải tạo ra những chuyển biến rõ rệt trên các mặt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh; công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được phê duyệt.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác.
Cùng với đó là đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đai đang sử dụng các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, các nông trường, lâm trường để có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của luật.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xác định danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; kiên quyết thu hồi những diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không đưa sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng không đúng mục đích theo quy định của Luật Đất đai, làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trước năm 2016, cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố làm tốt công tác định giá đất; tến hành xây dựng khung giá đất trình Chính phủ quy định; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể tại địa phương; nghiên cứu, thí điểm lập bản đồ giá đất và xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất.
UBND các tỉnh, thành phố phải làm tốt công tác điều tra, khảo sát giá đất thị trường, xây dựng bảng giá đất ngay sau khi Chính phủ công bố khung giá đất theo quy định của Luật Đất đai; kiện toàn tổ chức và cán bộ làm công tác giá đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thành lập Hội đồng thẩm định giá đất để thực hiện việc định giá đất cụ thể khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.
Cùng với đó là giải quyết dứt điểm những khiếu nại về quản lý, sử dụng đất đang tồn đọng.