Đề án thành phố trong TP.HCM vẫn chưa được công bố (Ảnh: TL)
Tránh tư duy hành chính
Theo chuyên gia quy hoạch, TS Ngô Viết Nam Sơn, mô hình thành phố bên trong thành phố không mới, nó là một xu hướng phổ biến trên thế giới. Khi một đô thị hình thành trên điều kiện tự nhiên thì lập thành phố là đương nhiên. Tuy nhiên, phải hiểu thành phố trong thành phố tức là các thành phố vệ tinh bên trong thành phố lớn. Điều này được duy trì bằng khoảng cách địa lý nhất định, tức là phải quy hoạch một vùng đô thị, có thành phố lớn và thành phố vệ tinh xung quanh. Để làm được điều này, phải dựa trên sự phát triển hạ tầng kết nối cực tốt.
Đối với TP.HCM, việc lập TP Thủ Đức và tương lai là các TP Đông, Tây, Nam, Bắc chưa rõ về mục tiêu chiến lược. Nhưng theo ông Sơn, thực tế sẽ rất khó quy hoạch, thậm chí là chồng chéo.
Ông Sơn đơn cử như quận 2, quận 9 và Thủ Đức đang dần hình thành đô thị lõi. Chưa kể, quận 2 với “siêu đô thị” Thủ Thiêm từng được quy hoạch là trung tâm của quận 1 mở rộng và được đầu tư bài bản theo xu hướng này. Nếu tách ra thì bài toán Thủ Thiêm sẽ phải giải quyết đầu tiên.
“Khi xác lập các thành phố xung quanh với khoảng cách không đáng kể, thành phố “lõi” của TP.HCM sẽ không còn quỹ đất để phát triển. Việc dịch chuyển nhà cao tầng ra phía ngoài cũng khó làm. Vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa và di sản cũng sẽ phát sinh”- ông Sơn nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Phạm Sanh đánh giá đặc thù của TP.HCM khó xây dựng mô hình thành phố trong thành phố. Ông ví dụ các nước có mô hình này thường có diện tích lớn về địa lý. Như Trung Quốc có tỉnh rất rộng, khi đó cần một đô thị lõi và đô thị vệ tinh. Hay thành phố Paris trong quận Paris tại Pháp, xung quanh là những đô thị vệ tinh, cách rất xa đô thị lõi.
“Hiểu đúng của chính quyền đô thị không đơn giản là tách hoặc sáp nhập theo nghĩa hành chính mà là chính quyền tối ưu hóa việc phục vụ người dân đô thị bằng cách lược bỏ cấp quản lý và quản lý khoa học hơn”- ông Sanh nói.
Thành phố mới sẽ “ở đâu”?
Cũng theo chuyên gia Phạm Sanh, nếu không nghiên cứu kỹ, TP.HCM rất có thể sẽ làm điều ngược lại. Bởi vì nếu chỉ gom các quận lại với nhau và thành lập thành phố bên trong thành phố, rất dễ phát sinh thêm một cấp chính quyền trung gian. Khi đó, các yếu tố đi kèm là bộ máy hành chính, quy trình hoạt động, và ngân sách.
Ngoài ra, theo ông Sanh, sẽ có sự “xung đột” về quản lý. Ví dụ như chính quyền hiện tại có 3 cấp, thành phố mới sẽ đặt vào đâu?
“Về thẩm quyền xử lý các vấn đề đã có cấp sở và ngang sở, thành phố mới sẽ thuộc cấp nào? Thành phố lớn có quản lý thành phố nhỏ hay không? Quá nhiều khúc mắc cần giải quyết”- ông Sanh phân tích. Thậm chí việc thay đổi này sẽ dẫn đến việc điều chỉnh các bộ luật, thậm chí là hiến pháp. Vì chỉ TP.HCM mới có đặc thù này trong khi cả nước không có.
Chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Nếu lập một thành phố mới theo kiểu mô hình một quận của thành phố lõi thì không hiệu quả. Thành phố mới phải có ngân sách độc lập, đầy đủ sở ban ngành thì mới hiệu quả. Thành phố cũng không nên quá lớn thì mới quản lý hiệu quả. “Nếu lập các thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc không có đặc thù, làm theo dạng một cấp trực thuộc TP.HCM thì rất khó hiệu quả vì chồng chéo”- ông Sơn kết luận.
|