Sạt lở biển Cửa Đại luôn là nỗi lo thường trực tại Hội An.
Trăn trở cho tương lai di sản!
Có một thực tế, chính là công tác bảo tồn di sản Hội An đã được chính quyền, người dân địa bàn thực hiện rất tốt hàng chục năm qua.
Minh chứng rõ nét là việc chính quyền Hội An thường xuyên trích doanh thu từ vé tham quan phục vụ cùng kinh phí từ nhà dân, nhà doanh nghiệp hàng chục tỷ mỗi năm để tu bổ, bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, trước tình hình mới từ biến đổi khí hậu và việc lớn tuổi của các di tích đã thực sự đe dọa đến di sản Hội An trong tương lai sắp tới.
Thực tiễn này là hiện hữu và đã được chính quyền sở tại nhắc đến nhiều ở các lần hội họp.
Với cơ chế kinh tế tự chủ, chính quyền Hội An phụ thuộc rất lớn vào doanh thu từ vé tham quan. Tuy nhiên, ngoài việc hướng dẫn viên trốn hàng tỷ đồng tiền vé tham quan mỗi năm của khách cũng là một trở ngại rất lớn. Đây chỉ là các trường hợp được cơ quan chức năng phát hiện, chưa kể đến trường hợp trốn vé tham quan của du khách bằng cách khác, như bỏ khách tự đi hay không đưa du khách đến các điểm tham quan chỉ định trong vé...
Ông Nguyễn Sự - Nguyên Bí thư thành ủy Hội An - nhận định, việc kiểm soát và bán vé tham quan cho đến nay vẫn là vấn đề trăn trở cho di tích Đô thị cổ Hội An, vì 70 % doanh thu từ nguồn này là dành cho bảo tồn di sản Hội An...
Thách thức cho ngành du lịch
Báo cáo của UBND TP.Hội An về doanh thu trong ngành du lịch thương mại năm 2015 là khả quan với con số tăng trưởng là 10, 8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách vược hơn 100% so với dự toán trong năm 2015...
Tuy nhiên, trong tình hình mới, sạt lở biển Cửa Đại đã đe dọa rất lớn đến ngành du lịch biển tại địa bàn một năm qua.
Báo cáo trước HĐND thành phố, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, trong một năm qua, lượng khách đã sụt giảm hơn 30% tại các điểm du lịch ven biển Cửa Đại, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, resort ven biển khu vực này.
Thay vào đó, khách du lịch lại đổ dồn về biển Cẩm An gây nên áp lực cho hạ tầng dịch vụ khu vực này.
Thông tin từ ông Dũng còn cho biết thêm, thực trạng trên đưa đến vấn đề đầu tư hạ tầng để triển du lịch biển tại Cẩm An là cấp thiết. Tuy nhiên, thách thức vẫn là ngân sách hạn hẹp, để giải tỏa và quy hoạch xây dựng khu vực này vì quỹ đất tại đây hầu như thuộc sở hữu của người dân địa phương.
Cũng chính vấn đề sạt lở tại biển Cửa Đại đã đưa đến hệ lụy và sự cẩn trọng trong thu chi ngân sách. Phần để xây dựng hạ tầng du lịch, hay kích cầu du lịch bằng các nguồn vận động doanh nghiệp để tổ chức các sự kiện, chi ngân sách tu sửa các công trình giao thông cầu đường,... chưa nói đến kinh phí để chống sạt lở biển Cửa Đại hay nạo vét cảng Cửa Đại... Trong kỳ họp HĐND lần này, ông Nguyễn Văn Dũng- Chủ tịch UBND thành phố cũng kỳ vọng đến vấn đề về ngân sách. Từ nguồn thu đến các nguồn tài trợ khác.
Đơn cử như việc ông này kỳ vọng vào một dự án nhà máy xử lý nước thải tại Chùa Cầu được một tổ chức quốc tế tài trợ sẽ được tiến hành trong năm nay 2016 và đi vào hoạt động trong năm 2017...
Thực tế Hội An là thành phố kinh tế tự chủ đang trên đà phát triển và được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa. Tuy nhiên trong tình hình mới, với ngân sách hạn chế cùng với việc đối phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn di sản, cứu biển Cửa Đại... đã là khó, chưa nói đến vấn đề nguồn chi ngân sách đầu tư hạ tầng du lịch hay quảng bá xúc tiến và kích cầu du lịch trong tương lai gần!