08/06/2016 10:15 PM
Chiều 8/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Tài chính để cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung
Dự kiến Luật này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2016 để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về chế định “tài sản công”.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất, lần đầu tiên được ban hành tại Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua 6 năm triển khai, công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác tăng lên đáng kể, dần trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, luật này cũng bộc lộ hạn chế là cơ chế quản lý tài sản công còn phân tán, được điều chỉnh bởi các luật khác nhau (như tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai…); quy trình đầu tư, mua sắm tài sản công bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp còn thấp; việc quản lý và sử dụng tài sản công không đồng bộ với cơ chế tài chính.
Thêm vào đó, Hiến pháp năm 2013 đã lần đầu tiên hiến định về “tài sản công” là: “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”.
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp và thay thế luật cũ.
Cho ý kiến về dự án Luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ tên gọi và phạm vi điều chỉnh của luật. Theo đó, ngoài tài sản công là tài nguyên thiên nhiên thì phải làm rõ tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý hay bàn giao cho đơn vị sự nghiệp thì được xác định là gì? Trên thực tế, Nhà nước không có chủ trương tạo tài sản để cho thuê, nhưng khi các đơn vị sử dụng tài sản công như mặt bằng, đất đai… để cho thuê thì ngân sách Nhà nước không thu được mà sẽ vào quỹ riêng của đơn vị đó.
Đối với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phải xác định rõ được quyền và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thủ trưởng các đơn vị theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như việc khai thác tài sản công tại cơ quan nhà nước, các nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên thiên nhiên… Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các địa phương để hoàn thiện dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thành Chung (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.