01/07/2013 1:30 PM
Luật Thủ đô có 7 chương, 27 điều, quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô, trong đó đáng chú ý là việc siết chặt nhập cư nội thành.

Từ hôm nay (1.7), Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực.

Điều 19 của Luật Thủ đô về quản lý dân cư quy định: Dân cư trên địa bàn Thủ đô được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. HĐND thành phố ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.

Hình minh họa

Điều 19 về cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật Cư trú với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây từng có hộ khẩu trong nội thành.

Những trường hợp khác muốn đăng ký thường trú ở nội thành phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 9 của Luật Thủ đô về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch quy định: Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không có trụ sở chính ở nội thành thì không được đặt địa điểm đào tạo trong nội thành.

Điều 16 về phát triển và quản lý nhà ở quy định: Các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp được cải tạo, xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng và mỹ quan đô thị. Việc cải tạo, xây dựng phải tuân thủ quy định về độ cao, mật độ dân cư, mật độ xây dựng theo quy hoạch.Trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải dành tỉ lệ diện tích đất ở, nhà ở cao hơn để phát triển nhà ở xã hội so với quy định chung của cả nước.

Luật cũng cho phép HĐND thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng. Tuy nhiên, trong Luật Thủ đô không quy định nội dung cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Còn các mức thu phí cụ thể thì HĐND thành phố Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Long Nguyên (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.