30/05/2013 3:14 PM
CafeLand – Những ngày gần đây, dự án nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Thái Lan PTT dự định đầu tư vào Bình Định với số vốn “khủng” 27 tỷ USD đang là chủ đề được quan tâm. Có người cho rằng đây chỉ là dự án viễn vông phi thực tế, trong khi đó có không ít người tràn trề hy vọng đây sẽ là một cú huých đối với nền kinh tế. Thực hư ra sao thời gian là câu trả lời tốt nhất, nhưng nhìn lại các dự án siêu khủng ở Việt Nam từ trước đến này cho chúng ta phần nào câu trả lời.

Dự án khu liên hợp thép và cảng Sơn Dương (7,9 tỷ USD)

Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan) đầu tư có tổng số vốn đăng ký: 128.450 tỷ đồng (tương đương 7,879 tỷ USD vào thời điểm 2008) với diện tích: 3.035,67 ha được cấp phép đầu tư từ giữa năm 2008. Giai đoạn 1 gồm nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương công suất 30 triệu tấn hàng hoá mỗi năm có tổng cộng 14 bến tàu. Theo dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong 4 năm. Khi đi vào hoạt động, khu liên hợp gang thép trở thành một trong những liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp khoảng 7,5 triệu tấn thép mỗi năm, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động.

Trong giai đoạn 2, nhà đầu tư Formosa dự kiến sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn/năm, tàu có trọng tải từ 200.000 đến 300.000 tấn có thể vào cảng Sơn Dương.

Lò cao của nhà máy thép đã được khởi công vào tháng 12/2012. Tiến độ dự án đã chậm rất nhiều so với kế hoạch ban đầu. Cuối năm 2012, Formosa quyết định tăng vốn đầu tư từ 7,9 tỷ USD lên 9,9 tỷ USD. Mới đây, tập đoàn này tiếp tục tăng vốn lên 27 tỷ USD, kèm theo đó là công suất sẽ tăng lên gấp 3 lần so với ban đầu.

Mặc dù công suất lớn nhưng Formosa sẽ không sản xuất thép gân xây dựng, nên sẽ không tạo ra gánh nặng thừa và gây nhiễu loạn thị trường thép Việt Nam. Sản phẩm chính của giai đoạn I của Dự án là thép cuộn cán nóng dùng cho sản xuất và thép cây dùng cho công nghiệp. Đây đều là những sản phẩm mà hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Hiện tại, dự án thép này đang gặp nhiều vấn đề, chủ đầu tư Formosa cho biết là đang gặp khó khăn trong huy động vốn. Bên cạnh đó, vấn đề điện năng và dư thừa công suất cũng là một bài toán nan giải đối với siêu dự án này.

Dự án thép Cà Ná: 9,8 tỷ USD

Dự án thép Cà Ná được Tập đoàn Lion Group của Malaysia liên doanh với Tập đoàn Công nghiệp (CN) Tàu thủy (Vinashin) xây dựng tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. Dự án được khởi công vào tháng 11/2008. Dự có vốn đầu tư lên đến 9,8 tỉ USD, quy mô tổng diện tích khoảng 1.650ha mặt đất và 330ha mặt nước biển, công suất 14,42 triệu tấn thép thô/năm. Giai đoạn 1 (2008-2011) sẽ đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy thép có công suất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Đây là một trong những dự án lớn nhất của ngành thép Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm chủ đầu tư đã không triển khai các hạng mục công trình theo tiến độ đã cam kết, không có khả năng tài chính, không đủ năng lực sản xuất cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực thép. Vì vậy, dự án đã bị rút giấy phép đầu tư vào năm 2011.

Lượng thép xây dựng tiêu thụ trong năm 2012 vừa qua ước tính chỉ khoảng 4,5 triệu tấn (theo VnSteel). Nhu cầu trong năm nay theo dự báo cũng chỉ tăng chưa đến 5%. Như vậy, dù cho dự án không bị ngừng cấp phép thì cũng không thể tiến hành do thiếu khả thi trong bối cảnh đầu tư tràn lan vào ngành thép nhưng nhu cầu thị trường thì lại giới hạn.

Dự án thép Tata: 5 tỷ USD

Dự án do Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đầu tư với số vốn dự kiến là 5 tỷ USD tại Hà Tĩnh nhắm tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Dự án có diện tích lớn lên đến hơn 900 ha, công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm và dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 – 2015. Biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác được chính thức ký kết vào giữa năm 2007.

Tuy nhiên, kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là chưa thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đã có những đồn đoán về việc Tata sẽ rút khỏi dự án này ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo khẳng định từ phía Tata, thì hiện tại, Tập đoàn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến vấn đề này.

Hồ Tràm Strip

Dự án khu du lịch Hồ Tràm Strip do Công ty Asian Coast Development Ltd (Canada) được xây dựng trên diện tích gần 170ha, tại xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có vốn đăng ký 4,2 tỷ USD, bao gồm 541 phòng nghỉ 5 sao, 9 nhà hàng, các khu chức năng vui chơi giải trí và bán lẻ cao cấp, trong đó có casino mang phong cách Las Vegas đầu tiên tại Việt.

Tuy nhiên, do gặp phải nhiều vấn đề về tài chính, giấy phép nên hiện Tòa tháp 2 của khu nghỉ dưỡng đầu tiên mới đang được xây dựng, giúp tăng thêm 559 phòng nghỉ 5 sao và 1 sân gold 18 lỗ theo thiết kế của Greg Norman.

Vừa qua, ACDL cho biết đối tác MGM Resorts International sẽ không quản lý dự án này nữa.

Cổ đông chính của ACDL, Harbinger Capital và hãng quản lý casino Pinnacle Entertainment (hãng đã mua 26% cổ phần của ACDL tháng 5/2011), cho biết họ vẫn giữ cam kết với dự án.

Thành phố Sáng tạo Nam Tuy Hòa: 11,4 tỷ USD

Dự án Thành phố sáng tạo Nam Tuy Hòa tổng diện tích đất sử dụng khoảng 7.656 ha, nằm dọc hai bên bờ sông Ba do Công ty Galileo Investment Group Inc (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư. Dự án sẽ hoạt động trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các lĩnh vực điện ảnh, công nghệ thông tin, giáo dục.

Dự án bao gồm một thành phố công nghệ cao, một thành phố đại học hiện đại, đẳng cấp, một vùng kinh tế thương mại, một khu vực văn hóa. Tổng vốn đầu tư khoảng 11,4 tỉ USD.

Tuy nhiên, vì chậm triển khai nên cuối cùng dự án này đã bị UBND tỉnh Phú Yên rút giấy phép đầu tư.

Thấy gì từ hiện tượng này?

Rõ ràng những dự án FDI tỷ đô đầu tư vào Việt Nam là không hề thiếu, trên đây cũng chỉ là một phần nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là rất nhiều dự án lâm vào tình trạng chậm triển khai vì thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm hoặc rắc rối trong khâu thủ tục. Thậm chí nhiều dự án còn bị thu hồi giấy phép sau 1 quãng thời gian dài chiếm dụng hàng trăm, hàng ngàn ha đất gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.

Bất động sản, chế biến thép, khai thác tài nguyên thiên nhiên là những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất và cũng là những ngành có nhiều dự án với số vốn “khủng”. Tuy nhiên đây lại là những ngành gây ảnh hưởng nhiều đến tự nhiên, dễ gây ra hậu quả lâu dài và không mang lại nhiều giá trị gia tăng. Dự án lọc dầu Dung Quất là một trong những bài học tiêu biểu nhất khi dự án này trễ tiến độ đến 9 năm, từ 1997 đến 2010 mới hoàn thành. Suốt quá trình triển khai dự án, hàng loạt những vấn đề về kỹ thuật cũng như công tác quy hoạch liên tục là điểm nóng được dư luận cả nước quan tâm. Nguyên nhân chính cho những vấn đề trên là khi triển khai dự án, những công tác chuẩn bị đã không được chú ý đúng mức, trong đó chủ yếu là việc lựa chọn đối tác. Chính phủ đã thừa nhận đây là sai lầm lớn dẫn đến những hậu quả trên trong báo cáo thẩm tra dự án.

Chính vì vậy, khâu thẩm định trước khi cấp phép đầu tư cần phải được chú trọng hơn nữa. Chủ đầu tư có đủ năng lực chuyên môn và năng lực tài chính hay không, dự án có khả thi hay chỉ chạy theo xu hướng là những vấn đề quan trọng nhất. Một thực tế là lâu nay chúng ta vẫn có tư duy xem FDI như cứu cánh cho tăng trưởng nên cứ buông lòng khâu thẩm định dự án, khiến cho nguồn lực xã hội bị lãng phí không cần thiết. Vốn FDI là vô cùng cần thiết cho phát triển, nhưng hạn chế những dự án gây lãng phí sẽ giúp chúng ta phát triển tốt hơn.

Dự án lọc dầu 27 tỷ USD của một công ty Thái Lan được nhắc đến trong thời gian gần đây. Bài học từ các dự án khủng trong quá khứ cho thấy viễn cảnh dự án này không khác xa so với các dự án cũ là mấy. Do vậy, liệu có nên kỳ vọng nhiều vào dự án này?

Tiêu Dao
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.