01/02/2013 1:11 PM
Hơn một năm trước Thủ tướng ra Chỉ thị số 1474/CT-TTg về giải pháp cấp bách chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cả quan cả dân đều đặc biệt quan tâm, coi đó như một bước ngoặt quan trọng và tiến trình cấp "sổ đỏ" sẽ hoàn tất trong gang tấc. Than ôi báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT cho biết hết năm 2012 cả nước chỉ có 6 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp "sổ đỏ” lần đầu cho các loại đất chính. Số lượng tồn kho chưa cấp còn trên 5 triệu
Than ôi báo cáo mới nhất của Bộ TN&MT cho biết hết năm 2012 cả nước chỉ có 6 tỉnh cơ bản hoàn thành cấp "sổ đỏ” lần đầu cho các loại đất chính. Số lượng tồn kho chưa cấp còn trên 5 triệu thửa đất, rất lớn... Nghĩa là Trung ương quyết liệt, tỉnh thành vẫn... túc tắc? Tại kỳ họp HĐND nhiều địa phương cuối 2012, các đại biểu chất vấn gay gắt về việc chậm trễ này.
Để có được "sổ đỏ” phải vượt qua hàng loạt thủ tục hành chính
Tồn đọng nhiều nhất là Hà Nội 168.000 thửa đất và khoảng 500 nghìn căn hộ, Nghệ An 335.000 thửa, TP Hồ Chí Minh 311.000 thửa đất và căn hộ)... Ghi nhận của cơ quan thuế từ giữa năm 2008 cũng đã cho thấy toàn quốc bị "ế” tới hơn 1,2 triệu "sổ đỏ”. Nhiều năm nay, Hà Nội đã phải xoay xở với hàng chục nghìn sổ đỏ tồn đọng do người dân không tới nhận. Từ 65.000 "sổ đỏ” nằm két năm 2008 tới nay TP vẫn còn tồn gần 23.000 sổ.
"Sổ đỏ” ế dân không nhận là do giá đất để tính nộp lệ phí trước bạ tăng quá cao so với giai đoạn trước đó (từ 8-15 lần), nhiều hộ không đủ khả năng tài chính để thanh toán nghĩa vụ với Nhà nước. UBND TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Tài chính và Chính phủ cho phép ghi nợ lệ phí trước bạ và trả "sổ đỏ” cho các hộ gia đình chưa tới nhận. Đề xuất này chưa được chấp nhận. Ngày 30-1 vừa qua, UBND TP Hà Nội một lần nữa lại có kiến nghị gửi Bộ TN-MT, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép vì cả năm 2012, TP HN cấp chỉ đạt 43% kế hoạch đặt ra từ đầu năm.
Nhìn vào những số liệu báo cáo, có thể nghĩ đơn giản dân thiếu tiền nộp lệ phí chính là nguyên nhân khiến tiến độ cấp sổ đỏ ì ạch hơn đáng lẽ, có người gọi đó là "gặm nhấm” nỗi đau mang tên sổ đỏ. Nhưng "sổ đỏ cũng khóc” còn vì lẽ khác. Gốc vấn đề nằm ở chỗ, để cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, gọi là "sổ đỏ” đó, các địa phương phải làm tốt việc đo đạc lập bản đồ địa chính và cập nhật thường xuyên hồ sơ địa chính, xây dựng tốt cơ sở dữ liệu đất đai. Công tác này, Bộ TN&MT nhìn nhận, lâu nay các địa phương "thiếu tập trung chỉ đạo thực hiện”.
42 tỉnh khó khăn đã được Trung ương hỗ trợ 1.200 tỷ đồng ngay năm 2011 để đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận. Có địa phương đã có nghị quyết của HĐND dành 10% tiền sử dụng đất cho công tác cấp sổ đỏ, nhưng vẫn không chịu tăng đầu tư kinh phí. Kiểm tra của Bộ TN&MT, dù khối lượng tồn đọng cần cấp giấy chứng nhận còn nhiều, các thành phố lớn Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội và Trà Vinh… nhiều năm qua không bố trí kinh phí cho thực hiện cấp giấy chứng nhận. Do đó chưa đăng ký được đồng loạt cho các trường hợp còn tồn đọng ở từng thôn, xã mà chủ yếu thực hiện riêng lẻ cho từng trường hợp có nhu cầu. Đây là vấn đề phải được mổ xẻ ra tấm ra món, như chữa bệnh phải chữa từ gốc, mới hy vọng kết quả cây "nở hoa đơm trái”.
Chưa hết, nhiều năm qua Bộ TN&MT đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện nhằm hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho mỗi tỉnh tối thiểu một huyện, rút kinh nghiệm triển khai diện rộng… Nhưng kết quả cũng chưa bao nhiêu. Trong khi muốn cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, minh bạch hóa quyền sử dụng, vị trí, diện tích của từng thửa đất của mỗi hộ, mỗi địa bàn, phải trên cơ sở số hóa các dữ liệu đất đai này, tránh tình trạng làm sổ đỏ giả, cán bộ địa chính nhũng nhiễu hành dân.
Chừng nào còn thiếu một trung tâm dữ liệu cấp trung ương như một "ngân hàng dữ liệu” có khả năng cung cấp cho mọi ngành, mọi đối tượng các thông tin về đất đai, chừng nào các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh chưa được trang bị đầy đủ thiết bị đo đạc số như toàn đạc điện tử, thiết bị GPS – RTK, DGPS cũng như được cài đặt và đào tạo sử dụng phần mềm điện tử VILIS thống nhất giữa các địa phương, chừng đó "sổ đỏ” dù có được cấp đầy đủ cũng chưa chắc đã giải quyết được gì nhiều cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Sẽ có những biến động ngầm như quan hệ chuyển nhượng đất ở mà người dân không muốn "phiền” đến các cơ quan chức năng vì sợ tốn phí, sợ bị "hành”, cũng có nhiều biến động về các loại đất khác địa phương không thể cập nhật kịp nếu công tác đo đạc vẫn "thủ công” và luôn lệ thuộc vào kinh phí. Vì những lẽ đó, không ít thông tin số liệu ở sổ đỏ, cả ở sổ gốc của địa phương, cũng sẽ sớm lạc hậu, không đáng tin cậy vì thiếu chính xác, Nhà nước coi như không quản lý được.
Năm 2013, Bộ TN&MT phấn đấu cấp Giấy chứng nhận lần đầu hoàn thành cơ bản trên 85% diện tích các loại đất cần cấp ở từng tỉnh, thành phố cả nước. Trọng tâm là đất chuyên dùng và đất ở. Đây là một chương trình lớn cần huy động tối đa nguồn lực từ nhiều ngành. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới đây đã yêu cầu các địa phương điều chỉnh bổ sung đủ kinh phí và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đầy đủ Chỉ thị 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, mục tiêu ngành đất đai cần hướng tới để quản lý bền vững, khoa học phải là hiện đại hóa hệ thống đăng ký đất đai thông qua thủ tục điện tử, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập các sổ sách địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tất cả các thửa đất dưới dạng cơ sở dữ liệu đất đai mới. Người dân và hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phải hiểu rõ chính sách, pháp luật về đất đai, tầm quan trọng của xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, yên tâm về sự công khai và minh bạch trong quản lý về đất đai. Chặng đường e còn xa?
Thanh Như (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.