CafeLand - Chỉ còn chưa đầy 2 ngày trước thời điểm kết thúc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/2004/NĐ-CP của Chính phủ, nếu người dân tiếp tục có nhu cầu sẽ phải mua nhà với mức giá mới, cao hơn từ 8 đến 15 lần mức giá cũ. Tuy nhiên, thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy, trước thời điểm chuyển giao, người dân Hà Nội vẫn không “mặn mà” với việc mua nhà theo diện này.

Người dân lại chưa “mặn mà” mua nhà theo Nghị định 61/CP phần lớn là do không đủ điều kiện kinh tế để mua. Ảnh: internet

Nợ đọng nhà 61

Qua 15 năm thực hiện công tác bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP, đến nay Hà Nội ước còn khoảng 40.000 căn (trong tổng số 220.000 căn) chưa bán và cấp giấy chứng nhận. Trong đó, hơn 20.000 căn thành phố giao cho các quận, huyện quản lý, xét cấp giấy chứng nhận; 10.000 căn do các công ty quản lý và kinh doanh nhà quản lý; 7.000 căn thuộc diện không được bán và cấp giấy chứng nhận do vướng quy hoạch, nhà có tranh chấp, khiếu kiện và nằm trong danh mục nhà biệt thự, phố cổ không được bán theo Nghị quyết của HĐND thành phố.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên nhân của việc chưa bán hết quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn là do các cơ quan tự quản buông lỏng quản lý từ nhiều năm nay nên hồ sơ gốc của quỹ nhà bị thất lạc; cơ quan tự quản không còn nên không thể bàn giao hoặc còn nhưng nhiều cơ quan chưa tích cực hoặc không hợp tác với các công ty quản lý kinh doanh nhà của thành phố. Mặt khác, người sử dụng nhà, đất do các cơ quan tự quản đã tự ý cơi nới, lấn chiếm, nên không muốn làm hồ sơ vì sợ sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.

Từ thực tế triển khai tại các quận, huyện cho thấy có nhiều hồ sơ phức tạp, đã giải quyết từ nhiều năm nhưng chưa dứt điểm; việc đan xen sở hữu về nhà đất đã bán và chưa bán gây khó khăn khi hoạch định, xác định giá bán, diện tích bán; trong khi các căn hộ này lại nằm rải rác, đan xen, không tập trung nên cũng gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, cải tạo, sửa chữa và phát triển nhà.

Đáng lưu ý là trong thời gian qua, nhiều gia đình có nguyện vọng, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa có điều kiện mua nhà. Hiện Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội còn gần 1.000 hồ sơ bán nhà đã được thẩm định, duyệt giá bán từ năm 2012 nhưng người dân không đến ký hợp đồng, nộp tiền mua nhà với lý do chưa thu xếp được kinh phí.

Một nguyên nhân nữa cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ bán nhà theo Nghị định 61/CP trong suốt thời gian qua là một số hộ muốn mua nhà nhưng vướng quy hoạch, nhà đang có tranh chấp, khiếu kiện, nhà ở khu phố cổ nên chưa được mua.

Nỗ lực giải quyết hàng tồn

Nghị định số 34/2013/NÐ-CP về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/6, có nhiều thay đổi về đối tượng được mua nhà, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt là giá bán sẽ cao gấp nhiều lần so với hiện hành. Vì vậy, việc cần làm đối với những người đang ở thuê, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước là cần nộp hồ sơ sớm, đăng ký mua nhà để bảo đảm quyền lợi của mình.

Điểm khác biệt lớn nhất của Nghị định 34/CP là giá bán nhà bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất. Trong đó, tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá đất ở do thành phố ban hành hằng năm, có hiệu lực thi hành tại thời điểm ký hợp đồng mua bán. Còn theo Nghị định 61/CP, mức giá này được tính từ năm 2004, thấp hơn khoảng mười lần so với giá đất năm 2013. Vì thế, người mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo quy định mới sẽ chịu mức giá cao hơn hiện nay rất nhiều.

Ðể bảo đảm quyền lợi của người đang ở thuê, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước khi mua nhà và cấp "sổ đỏ", các cơ quan đã thực hiện tổng rà soát, thống kê hồ sơ nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện tự quản và đã kê khai hồ sơ cấp sổ đỏ trước ngày 6/6.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, do Nghị định số 34/CP có hiệu lực thi hành từ ngày 6/6, nên Hội đồng bán nhà ở thành phố sẽ chính thức chốt thời gian tiếp nhận hồ sơ vào 17 giờ ngày 5/6. Những trường hợp nộp hồ sơ từ ngày 6/6, nếu đủ điều kiện theo quy định mới sẽ được giải quyết sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quyết định của UBND thành phố. Ðối với các trường hợp đã ký hợp đồng mua nhà nhưng chưa nộp tiền trước ngày 6/6, Sở Xây dựng sẽ đề xuất UBND thành phố tính giá bán theo quy định tại Nghị định số 34/CP. Trường hợp người dân không có đủ khả năng tài chính mua nhà thì vẫn được thuê để ở như bình thường.

Người dân vẫn không "mặn mà"

Với những lý do trực tiếp liên quan đến quyền lợi về kinh tế, có nhiều cơ sở để tin rằng, việc triển khai Nghị định 34/CP sẽ tạo nên "cơn sóng" nộp hồ sơ mua nhà diện 61 trong hàng nghìn hộ dân đang sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, nhưng thực tế cho thấy, tại các cơ sở được UBND thành phố giao nhiệm vụ nhận hồ sơ, không hề có chuyện lượng người đăng ký tăng đột biến.

Theo Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý & Phát triển Nhà Hà Nội, tại 7 xí nghiệp của Công ty, mặc dù đã bố trí đầy đủ cán bộ để đón tiếp, hướng dẫn người dân đến làm thủ tục mua nhà theo Nghị định 61, nhưng không khí ở các nơi này lại khá ảm đạm.

Đơn cử như tại Xí nghiệp Quản lý và Phát triển Nhà Ba Đình hiện vẫn còn 3.500 hộ chưa làm hồ sơ mua nhà theo Nghị định 61 nhưng mấy ngày “nước rút” này có rất ít người dân đến đăng ký, hoàn thiện thủ tục để mua nhà. Hay tại Xí nghiệp Quản lý và Phát triển Nhà Hoàn Kiếm, người dân đến làm thủ tục mua nhà rất thưa thớt, trong khi quận cũng còn trên 2.000 hộ chưa mua nhà thuộc diện này. Quận Thanh Xuân cũng còn gần 1.000 hộ đang thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, nhưng phần lớn đều gặp vướng mắc nên không làm thủ tục mua nhà được…

Bà Hà cho biết, hơn 2 tuần vừa qua, toàn Công ty mới nhận được 926 hồ sơ/1.301 hồ sơ nhận từ đầu năm 2013, trong đó số hộ đã nộp tiền là 671 hộ. Số hồ sơ còn lại Công ty đang thực hiện trên 3000 hồ sơ để triển khai bán theo Nghị định 61/CP. Công ty ước thực hiện doanh thu khoảng 180 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 100 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thúy Hà người dân lại chưa “mặn mà” mua nhà theo Nghị định 61/CP, phần lớn là do các hộ dân không đủ điều kiện kinh tế để mua. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ mặc dù là nhà 61 nhưng lại thuộc diện chờ giải quyết, chưa được bán. “Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc được mua nhà theo Nghị định 61, Công ty vẫn đang tiếp tục xem xét, rà soát lại tất cả những hồ sơ đã nộp, trường hợp nào đủ điều kiện mua nhà nhưng thiếu giấy tờ thì yêu cầu bổ sung ngay, những trường hợp nào đủ điều kiện thì phải giải quyết sớm để tránh thiệt thòi cho người dân”, bà Hà nói.

Diệu Trang (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.