23/03/2013 5:50 PM
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản khiến cơ quan chức năng nhận ra những bất cập trong việc xây dựng hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới, sau khi “phần nạc” của dự án là nhà ở thương mại đã được bán gần hết.

Chương trình Giám sát chuyên đề năm 2012 của HĐND TP. Hà Nội đã cho thấy bộ mặt đáng buồn của các dự án khu đô thị mới trên địa bàn Thành phố, khi hầu hết các công trình hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, bệnh viện…) của 10 khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng đều còn dở dang. Đó là các khu đô thị mới: Yên Hoà, Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); Mỹ Đình I, Mỹ Đình II, Mỹ Đình - Mễ Trì (huyện Từ Liêm); Dương Nội, Văn Quán - Yên Phúc, Văn Phú (quận Hà Đông); Đại Kim - Định Công (quận Hoàng Mai); Thạch Bàn (quận Long Biên), với tổng diện tích khoảng 466 ha.

Thực tế tại một số dự án khu đô thị mới, việc xác minh hiện trạng dự án hạ tầng xã hội cũng như trách nhiệm giữa các bên khá phức tạp, khi nó đã được chủ đầu tư cấp I đẩy sang cho các chủ đầu tư thứ cấp. Chẳng hạn, Dự án Khu đô thị mới Yên Hoà do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư cấp I, nhưng phần đất xây dựng Trường quốc tế Global lại được chủ đầu tư cấp I giao cho Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư giáo dục Toàn Cầu thực hiện.

Dự án Trường quốc tế Global được Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư giáo dục Toàn Cầu khởi công xây dựng từ năm 2009. Tuy nhiên, những vướng mắc về nghĩa vụ tài chính giữa chủ đầu tư cấp I và nhà đầu tư thứ cấp và với Sở Tài chính Hà Nội khiến ngôi trường dù đã được hoàn thành, nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.

Trong khi Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội cho rằng, nhà đầu tư thứ cấp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư cấp I, thì Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư giáo dục Toàn Cầu lại cho rằng, chủ đầu tư cấp I chưa hoàn thành nghĩa vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình. Hệ quả là, chủ đầu tư cấp I đã không xây dựng trạm biến áp và ngôi trường không có điện để vận hành, dù đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản từ đầu năm 2012.

Tại Dự án Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông) do Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư, hầu hết các hạng mục nhà ở thương mại đã được xây dựng và cơ bản bán hết.

Tuy nhiên, các hạng mục hạ tầng xã hội (bệnh viện, trường học các cấp, nhà văn hoá...) mà chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao không bồi hoàn thì chủ đầu tư vẫn còn “nợ”! Lý do mà chủ đầu tư dự án đưa ra là, UBND quận Hà Đông còn “nợ” chủ đầu tư vấn đề giải phóng mặt bằng, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhiều hạng mục dự án hạ tầng chủ đầu tư đề nghị “xã hội hoá” gặp khó khăn.

Theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội năm 2012, tại 10 dự án khu đô thị nêu trên, trong số 38 trường học được quy hoạch, mới có 27 trường được xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó chỉ có 4 trường công lập. Còn 11 trường chưa xây dựng xong, trong đó có 7 trường đã giao cho chủ đầu tư triển khai bằng nguồn vốn ngân sách, còn lại 4 trường vẫn chưa triển khai các thủ tục đầu tư.

Thậm chí, có những dự án như Khu đô thị Mỹ Đình I, Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm), Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc (quận Hà Đông), phần nhà ở thương mại đã được chủ đầu tư bán hết từ lâu, nhưng nhiều hạng mục dự án hạ tầng còn nham nhở.

Những tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, đô thị mới tại Hà Nội như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng; Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest… đều nằm trong danh sách những chủ đầu tư nhanh tay xây nhà để bán, còn chây ỳ triển khai các công trình hạ tầng xã hội.

Từ thực tế trên, UBND TP. Hà Nội đã ra Công văn số 265/UBND-KH&ĐT yêu cầu các chủ đầu tư được nêu tên hoàn thành toàn bộ các công trình vào cuối năm nay, nếu không sẽ kiên quyết thu hồi.

Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.