Ông Tình tại khu đất của Khu công nghiệp Hoàng Mai. Ảnh: H.Hà
Ông Trương Văn Hằng (75 tuổi, ở xóm 9A, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu) ngồi trên nền đất thuộc Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai với hàng trăm ha đất đã được san nền than thở: “Mấy năm nay, KCN vẫn chẳng thay đổi gì. Đất đã được san bằng nhưng có thấy doanh nghiệp nào vào hoạt động đâu. Lãng phí quá!”.
Theo ông Hằng, năm 2008, khi dự án được triển khai, nhà ông bị thu hồi gần 2ha đất trồng lúa. “Nhà tôi được đền bù gần 160 triệu đồng. Số tiền này, tôi cho con cái một ít, còn lại gửi ngân hàng để ăn dần. Gần 4 năm qua, mấy lần người thân ốm đau, con cái có việc cần nên tôi phải rút tiền gửi ngân hàng, giờ còn chẳng được bao nhiêu. Không có đất sản xuất, ngày ngày, tôi “làm bạn” với mấy con bò trên nền đất KCN và đan cót tre để kiếm sống qua ngày. Nhà tôi vẫn còn tiền chứ nhiều nhà hết rồi. Ruộng thì không có nữa vì nhường đất cho KCN nên sắp tới có khả năng khó khăn đấy. Trong khi đất KCN lại để không, thấy mà xót quá…”, ông Hằng nói.
Ông Phạm Văn Tình (78 tuổi, hàng xóm với ông Hằng) góp chuyện: “Trước nhà tôi cũng có hơn 1 ha đất lúa, nhưng bị thu hồi làm KCN. Nhà có nhiều con nên tiền đền bù cũng không còn mấy. Mà không biết KCN khi mô hoạt động, mấy năm ni chỉ thấy họ san mặt bằng thôi, san lấp xong, họ lại để đấy. Dân ở không cũng ngứa ngáy chân tay, thấy đất như thế thì xót lắm. Cánh thanh niên không có ruộng nên đã mò vào Nam kiếm sống cả. Ở nhà, biết khi mô KCN tiếp tục triển khai để thu hút lao động địa phương?”. Ông Hằng và ông Tình cho biết, phần lớn mặt bằng nơi đây được san lấp bằng đất núi, đá dăm, có muốn canh tác trên đó cũng không được. Chỉ còn số ít diện tích ruộng dù đã đền bù, nhưng dân đang trồng lúa, khi nào chủ đầu tư lấy đất thì dân trả.
Tìm hiểu được biết, từ tháng 11/2008, KCN Hoàng Mai đã được khởi công hoành tráng với những “viễn cảnh” mà chủ đầu tư đưa ra. Rằng, KCN có quy mô xây dựng gần 290 ha, với số vốn đăng ký đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Mục tiêu, sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho đội ngũ lao động địa phương. KCN này gần quốc lộ 1A, cảng nước sâu Nghi Sơn, khu lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa)… sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một phác thảo đẹp, hoành tráng như thế, vậy mà…
Đẩy dân vào thế “bí”!
Khi KCN về “làng”, có 6/12 xóm ở xã Quỳnh Lộc (Quỳnh Lưu) nhường gần 130ha đất, trong đó chủ yếu là đất trồng lúa, màu. Mặc dù có rất nhiều hộ mất 100% đất nông nghiệp, nhưng hầu như ai cũng hưởng ứng, chấp hành. Vậy nên, từ năm 2008 đến tháng 9/2010, gần 1.000 hộ dân đã nhận tiền đền bù, trả mặt bằng cho dự án. Nhiều nơi mất đất canh tác chừng 70% như xóm 10, 9A, 9B (xóm 6, 7, 8 tỷ lệ ít hơn). Ngoài ra có nhiều hệ thống đường, cầu, mương thoát nước dù chưa nhận tiền đền bù nhưng người dân Quỳnh Lộc vẫn chấp nhận. Vậy mà đến nay, sau 4 năm khởi công, điều người dân nơi đây nhận được là những diện tích đất bị bỏ không.
Đại diện 63 hộ dân ở các xóm 9A, 9B đã nhiều lần đến trụ sở UBND xã kiến nghị về quyền lợi chính đáng của mình với Chủ tịch xã. Đây là những hộ dân nằm trong diện đất quy hoạch khi KCN vào hoạt động. Từ năm 2009, chủ đầu tư đã kiểm kê, kiểm đếm, lên danh sách đền bù nhưng đến nay những hộ dân này vẫn chưa nhận được tiền, trong khi “vòng kim cô” quy hoạch thì chưa được tháo. Hiện, nhà của các hộ dân này đã xuống cấp, mất an toàn nhưng vì vướng quy hoạch nên không được sửa chữa. Các hộ dân đã làm đơn xin được xây dựng nhưng xã chưa đồng ý, vì đã có quy hoạch. “Bà con làm đơn xin xây dựng nhưng chúng tôi không cho. Hiện xã cũng lúng túng, không can dân nữa vì KCN treo dân lâu quá rồi…Nghe đâu số diện tích này, chủ đầu tư không lấy nữa nhưng hiện giờ dân cũng không biết ra sao”, ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc nói.
Theo ông Bắc, hiện tại, huyện đang tổ chức cho thanh niên đăng ký học nghề và đã có nhiều người đăng ký theo học, nhưng cũng không biết nhu cầu KCN cần những ngành nghề gì và bao giờ thì KCN triển khai xây dựng, đi vào hoạt động. “Nhưng trước mắt, xã vẫn khuyên người dân cứ học nghề để đón đầu, để có chứng chỉ đã, những chuyện khác sau này tính tiếp”, ông Bắc chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, KCN Hoàng Mai do Công ty CP Đầu tư dầu khí V.I.P Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến tháng 6/2011, chủ đầu tư đã tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng được hơn 196/209ha, san nền 170ha, xây dựng các hạng mục công trình như đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, chiếu sáng, hệ thống thoát nước…Tổng vốn đầu tư do chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng đã thực hiện ước tính gần 480 tỷ đồng…Theo Báo cáo số 10 ngày 20/3/2012 của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, lý do việc chủ đầu tư KCN Hoàng Mai tạm dừng thi công các hạng mục hạ tầng của dự án là do: “…vướng mắc trong việc chuyển giao giữa Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí Nghệ An và Công ty CP Đầu tư dầu khí V.I.P Việt Nam”.