27/02/2012 12:52 AM
Quỹ tiết kiệm nhà ở là phương án rất hay, có lợi cho dân, cho xã hội. Đây là kênh huy động tài chính dài hạn cho phát triển nhà ở, đồng thời có tác dụng nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân. Ai muốn có nhà thì phải tiết kiệm tiền từ nhỏ.
Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà trao đổi với báo chí tuần qua.

2 mô hình tiết kiệm nhà ở

Bộ Xây dựng đang xây dựng đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở và dự kiến năm 2013-2015 sẽ thí điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở sở nghiên cứu thực trạng nhà ở và tài chính nhà ở tại Việt Nam hiện nay, kết hợp với việc phân tích các hình thức tiết kiệm nhà ở tại một số nước trên thế giới, Bộ Xây dựng đề xuất hình thành song song 2 mô hình tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam.

Theo mô hình I, Quỹ tiết kiệm nhà ở chuyên phục vụ cho người có thu nhập thấp vay mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Quỹ tiết kiệm nhà ở: Cửa sáng người nghèo sở hữu nhà?
Có nhà ở, với người nghèo, vẫn là một giấc mơ

Nguồn vốn hình thành Quỹ phát triển và tiết kiệm nhà ở được huy động bao gồm từ nguồn vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở, tối thiểu bằng 10% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm; tiền huy động từ các nguồn hợp pháp khác; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của các đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào Quỹ; nguồn vốn từ ngân sách trung ương cấp một lần ban đầu cho Quỹ; 30% lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc phát hành xổ số nhà ở; nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu nhà ở bắt buộc đối với các đối tượng tham gia một số hoạt động liên quan đến bất động sản.

Hình thức tham gia Quỹ là tự nguyện, không bắt buộc, Nhà nước khuyến khích mọi đối tượng trong xã hội tham gia Quỹ.

Cũng theo đề án, các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tham gia quỹ thì tiền đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến.

Quỹ sẽ cho các đối tượng tham gia chương trình tiết kiệm nhà ở vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội khi đã đóng tiền vào Quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua, thuê mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho hàng tháng.

Việc cho vay được tính trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Lãi suất huy động bằng khoảng 1/2 lãi suất vay thương mại. Người vay phải trả đều hàng tháng trong thời hạn tối thiểu là 15 năm, tính từ ngày được vay thêm để mua nhà ở xã hội.

Nếu đối với đối tượng vay là doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp, theo đề án, Quỹ sẽ thực hiện cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; số tiền cho vay tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư xây lắp và tiền thiết bị của dự án nhà ở xã hội đó với lãi suất cho vay từ Quỹ bằng lãi suất cho vay trung hạn của ngân hàng thương mại trừ (-) lãi suất không kỳ hạn cộng (+) 1%.

Theo mô hình II, Quỹ tiết kiệm nhà ở áp dụng cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ sẽ do Ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý, vận hành theo quy định của Nhà nước. Đối tượng tham gia đóng Quỹ là người có thu nhập trung bình có nhu cầu mua nhà ở, tham gia tự nguyện, không bắt buộc.

Nguồn vốn huy động cho Quỹ là chỉ từ những người tham gia đóng Quỹ, không được huy động từ nguồn khác.

Cũng như mô hình I, số tiền đóng góp hàng tháng của các đối tượng tham gia quỹ không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Sau khi tham gia đóng Quỹ được khoảng 50% giá trị nhà ở cần mua, người tham gia đóng Quỹ sẽ được vay thêm 50% giá trị của nhà ở còn lại.

Chỉ có các đối tượng tham gia Quỹ mới được phép vay từ Quỹ. Số tiền góp, thời gian góp và thời gian trả nợ theo thỏa thuận khi ký hợp đồng tiết kiệm.

Lãi suất cho vay theo nguyên tắc thỏa thuận, ổn định và bằng lãi tiền gửi cộng thêm một khoản phí (thông thường từ 1,5% đến 1,7%).

Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ để khuyến khích người tham gia bằng các giải pháp như: hỗ trợ bù thêm lãi suất, thưởng trực tiếp cho người tham gia tiết kiệm, ban hành khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ...

Nếu trây ỳ, sẽ có chế tài


Quỹ tiết kiệm nhà ở: Cửa sáng người nghèo sở hữu nhà?
Các dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân

Điều khiến nhiều người quan tâm nhất là tại sao trong mô hình quỹ tiết kiệm này không đưa ra phương án trích quỹ lương để đóng quỹ tiết kiệm. Bên lề cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, quy định tỷ lệ tiền lương trích lại để đóng quỹ được áp dụng nhiều ở nước ngoài nhưng không thích hợp ở nước ta, vì ngoài tiền lương còn có nhiều thu nhập khác, đi làm thêm, kinh doanh thêm.

Mặt khác, tham gia đóng quỹ theo tháng nên người dân sẽ không có gì khó khăn. Bình thường hàng tháng, mỗi người cũng đều phải đóng bảo hiểm nhân thọ, nên giờ đóng tiền vào quỹ này cũng như vậy. Sau khi đóng vào quỹ một thời gian thì được vay để mua nhà. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có chính sách phát triển loại nhà phù hợp để người dân có thể mua được.

Đối với những trường hợp quá khó khăn, sau khi vay tiền mua nhà mà không có khả năng trả tiếp, thì nhà nước sẽ hỗ trợ, ví dụ như sẽ đi thuê nhà xã hội và trả lại nhà đã mua.

“Với người mua cố tình trây ỳ không tiếp tục trả tiền nhà sau khi đã nhận nhà, chúng tôi tất nhiên sẽ có chế tài để buộc phải trả tiền”, ông Hà nhấn mạnh.

Đối tượng được tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở là những người thu nhập thấp, được xét duyệt trên cơ sở thu nhập công khai.
Theo VTC News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.