Ông Nguyễn Mạnh Khởi – Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản( Bộ Xây dựng) cho hay, từ chỗ là các chung cư thấp tầng (5 tầng) mục đích là phục vụ nhu cầu để ở đến nay mô hình tòa nhà chung cư ở nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng, không chỉ tăng về chiều cao, đa dạng về hình thức sở hữu, quy mô diện tích diện tích căn hộ mà con đa dạng hỗn hợp về mục đích sử dụng.
Tuy nhiên một số quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư có trong Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành lại chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cộng với ý thức người dân về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư vẫn còn nhiều hạn chế, nên thời gian qua đã xảy ra một số tồn tại vướng mắc, gây ra khiếu kiện, tranh chấp giữa người dân với đơn vị quản lý vận hành tòa nhà, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà và chủ đầu tư cũng như ảnh hưởng đến mô hình phát triển nhà chung cư hiện nay.
Qua thống kê những vướng mắc khiếu nại tranh chấp chủ yếu là: tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư trong việc xác định phần sở hữu chung, sở hữu riêng của tòa nhà. Khiếu kiện, tranh chấp về chất lượng nhà ở, diện tích căn hộ mua bán. Mức phí sử dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà chung cư, bảo hành bảo trì, cung cấp các dịch vụ độc quyền cho nhà chung cư, cải tạo phá dỡ chung cư cũ. Ngoài còn tranh chấp về quyền lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tòa nhà giữa chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư .
Ông Nguyễn Trọng Hiền – Trưởng phòng Quản lý nhà ( Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 320 nhà chung cư mới được đưa vào sử dụng, cao từ 6 - 48 tầng, trong đó có 149 nhà tái định cư, thành lập được 26 ban quản trị. Hiện nay, các chung cư này đang áp dụng theo 3 mô hình quản lý đó là: chủ đầu tư trực tiếp quản lý, ban quản trị quản lý và mô hình Công ty TNHHMTV Quản lý và Phát triển nhà quản lý. Mỗi mô hình này đều tồn tại nhưng bất cập trong đó chủ yếu là do các công trình khi đưa vào sử dụng trong điều kiện chưa được đầu tư đồng bộ do vậy trong quá trình sự dụng đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư.
Theo ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, để xử lý tận gốc vấn đề này cần quy định về kiểm toán toán độc lập đối với các mô hình mà các nhà chung cư đang áp dụng quản lý, đồng thời công khai chi phí và làm rõ các vấn đề về nộp thuế. Ngoài ra cần hướng đến mô hình quản lý các tòa nhà chung cư là công ty cổ phần phi lợi nhuận.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và có những chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm chấn chỉnh và thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý sử dụng nhà ở chung cư hiện nay.