Trước tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội những ngày cận Tết Nguyên đán, sáng 16/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc đột xuất cùng các bộ, ngành liên quan nhằm tìm kiếm các biện pháp giải quyết tình trạng này thời điểm trước mắt và lâu dài.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Hà Nội ngoài hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, xây dựng chương trình tổng thể nhiều năm, trong 5 năm tới thành phố phải cơ bản hạn chế được ùn tắc giao thông bằng những biện pháp cụ thể, tập trung.
Trách nhiệm trước nhân dân
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng những ngày gần đây tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang gây ra bức xúc rất lớn cho người dân.
Với trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm trước nhân dân, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền hai thành phố cần khẩn trương triển khai các biện pháp về mặt kỹ thuật, kinh tế để kịp thời tháo gỡ tình trạng này, đảm bảo giao thông thông suốt cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.
Theo Thủ tướng, những biện pháp xử lý vấn đề này không phải thuần túy là Nhà nước bỏ hàng chục tỉ đồng trong điều kiện ngân sách đang hết sức hạn hẹp, mà là giải pháp huy động nguồn lực từ nhiều phía, nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực của địa phương, đồng thời áp dụng cả những biện pháp vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ.
Hà Nội xin cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng
Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, trong năm 2016, thành phố đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, hiện nay đã phát sinh trở lại 4 điểm cũ và phát sinh mới 13 điểm. Tổng số điểm ùn tắc hiện là 41 điểm. Ngoài ra, trên một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe... có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm hoặc khi có sự cố giao thông, khi thời tiết xấu...
Các nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội chủ yếu là do kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, hoàn chỉnh kết nối hạ tầng khung theo quy hoạch.
Đặc biệt, phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh. Hà Nội hiện có 5.045.672 xe máy, tăng trung bình 7,66%/năm giai đoạn 2010-2015; 546.057 ô tô các loại tăng trung bình 12,9%/năm giai đoạn 2010 - 2015, trên 1 triệu xe đạp, trên 10 nghìn xe đạp điện.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu.
Trong khi đó, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thành phố chỉ ở mức bình quân 3,9% năm. Sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến ùn tắc giao thông ngày càng tăng. Cùng với đó là ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Để xử lý vấn đề này, Hà Nội kiến nghị Chính phủ tạo cơ chế đặc thù cho thành phố để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án giao thông tuyến đường huyết mạch như vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục), vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, dưới thấp và trên cao), vành đai 2,5, vành đai 3 (Mai Dịch - Cầu Thăng Long) trên cao và dưới đất, vành đai 3,5, vành dai 4.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải đầu tư sớm các trục hướng tâm, các trục chính đô thị kết nối tuyến đường vành đai và hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), tập trung triển khai sớm 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại (bao gồm 67 km ngầm và 240 km nổi).
Ưu tiên giao thông ngầm
Góp ý với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà kiến nghị thành phố kiểm soát chặt chẽ hơn nữa sự gia tăng dân số và tổ chức phân bổ, kiểm soát không gian quy hoạch chặt chẽ và tăng cường di dời các cơ quan trụ sở ra khỏi nội đô thành phố; giải quyết tốt bài toán nén dân số đi đôi với nâng cấp hạ tầng và đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông ngầm.
Bộ cũng đề nghị thành phố bố trí đủ đất cho giao thông trong mọi loại quy hoạch; xây dựng một chương trình đầu tư hạ tầng giao thông dài hạn nhưng trước mắt cần rà soát các dự án xây dựng chung cư cao tầng ở nội đô để đảm bảo giao thông; kiên quyết hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân.
Đồng quan điểm ưu tiên giải pháp xây dựng hệ thống giao thông ngầm cho Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Chính phủ dồn lực cho Hà Nội để thực hiện, bởi biện pháp này khắc phục được tình trạng dày đặc chung cư cao tầng, mật độ giao thông cao trong nội đô thành phố như hiện nay.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Nội tập trung tổ chức lại giao thông và đẩy mạnh phân luồng, giảm lưu thông ô tô cá nhân theo khung giờ hợp lý để giảm ùn tắc; đồng thời tăng số lượng xe buýt công cộng. Về lâu dài, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội có biện pháp hạn chế tăng dân số nội đô; triển khai xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giãn dân trong lòng thành phố.
Tạo mọi điều kiện cho Hà Nội
Kết luận hội nghị, đồng tình với các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành và cơ bản tán thành kiến nghị của thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần coi đây là những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm chống ùn tắc trong thời gian trước mắt mà còn hướng đến đảm bảo cho Thủ đô phát triển bền vững trong lâu dài với lộ trình cụ thể, không để kéo dài tình trạng ùn tắc gây bức xúc cho người dân như hiện nay.
Thủ tướng chỉ đạo Hà Nội cần quản lý tốt quy hoạch, trước mắt kiên quyết chưa xây dựng nhà cao tầng khi chưa có lối ra cho phương án giao thông.
“Một Thủ đô phải có nhà cao tầng, khu vệ tinh, nhưng nếu tập trung cao nhà cao tầng ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc sẽ xảy ra”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, phải có biện pháp thúc đẩy giao thông công cộng để giảm phương tiện cá nhân kể cả ô tô và xe máy. Tuy nhiên, việc hạn chế này phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật kết hợp với truyền thông để vận động người dân thực hiện.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô; nếu huy động được nguồn lực trong nước là tốt nhất để giảm chi phí, thời gian làm thủ tục và nhất là trong bối cảnh nợ công quá cao.
“Cơ chế nào phân cấp cho Hà Nội được để Hà Nội quản lý, chịu trách nhiệm trước trung ương, trước Thủ tướng Chính phủ thì các cơ quan Trung ương tạo mọi điều kiện cho Hà Nội thực hiện”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cùng với biện pháp phát triển giao thông ngầm, giao thông trên cao để mật độ tham gia giao thông trên đường giảm, thì giảm phương tiện cá nhân cũng là biện pháp mà Hà Nội cần lưu ý triển khai để giảm ùn tắc giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đáng chú ý, tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nhắc nhở Hà Nội quan tâm triển khai các biện pháp chống ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán này; dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến lậu, nhất là trong những ngày cao điểm người dân về nghỉ Tết và trong những ngày người dân quay trở lại thành phố.
Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội cần thành lập tổ công tác, do một Phó Chủ tịch UBND làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông, trật tự đô thị, tinh thần là “không để một người dân nào vì phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết”.
Các tỉnh lân cận Hà Nội, nhất là các tỉnh có tuyến giao thông huyết mạch ra vào thành phố, tăng cường chỉ đạo phân luồng xe ra vào, chống ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố.
Thủ tướng giao thành phố Hà Nội rà soát, đánh giá lại tính hiệu quả của xe bus nhanh để có lịch trình hoạt động hợp lý nhất và đồng ý cho thành phố rà soát các nguồn lực có thể vận dụng để xây dung, phát triển hạ tầng, đảm bảo công khai, minh bạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và HĐND thành phố.
Quang Vũ (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.