22/01/2015 10:33 PM
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Vườn quốc gia và vùng đệm có diện tích khoảng 344.670ha, trong đó Vườn quốc gia khoảng 123.326ha. Diện tích lập quy hoạch khoảng 40.860ha, thuộc địa bàn các xã Sơn Trạch và một phần các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch, Xuân Trạch, Tân Trạch, Thượng Trạch, huyện Bố Trạch.

Bảo tồn những giá trị nổi bật toàn cầu

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là khu vực sinh thái quan trọng, có những giá trị toàn cầu nổi bật được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị. Đây cũng là di tích quốc gia đặc biệt, chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các di tích Chăm và Việt cổ; là khu du lịch trọng điểm có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, cung cấp các dịch vụ du lịch thương mại, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình.

Theo quy hoạch, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Việc bảo tồn di sản sẽ được gắn với phát triển kinh tế địa phương. Vườn quốc gia cũng sẽ được phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, trở thành một trong những vùng du lịch - sinh thái hấp dẫn “bậc nhất” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung bộ.

Phân khu quy hoạch rõ ràng vùng lõi

Cũng theo quy hoạch, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được phân thành các phân khu chức năng, gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (I và II); Phân khu phục hồi sinh thái; khu dịch vụ - hành chính. Trong đó, tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (I và II) và khu vực mở rộng hoàn toàn không có dân cư sinh sống. Khu vực này phát triển mạng lưới các điểm dịch vụ du lịch sinh thái đáp ứng lượng nhỏ du khách đến thăm quan, như khám phá hang động, leo núi mạo hiểm, thám hiểm bằng xe đạp địa hình, đi bộ thám hiểm, rừng nguyên sinh, ngắm thú ban đêm... Tại các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng hệ thống đường mòn, lều dừng chân, biển báo tuần tra (bảo vệ rừng) kết hợp phục vụ du lịch; không xây dựng cơ sở lưu trú và giải trí.

Còn tại phân khu phục hồi sinh thái sẽ chú trọng khôi phục hệ sinh thái rừng và duy trì làng bản dân tộc ít người A Rem gắn với du lịch cộng đồng. Khu vực này không phát triển du lịch đại chúng mà chỉ tổ chức mạng lưới các điểm dịch vụ du lịch sinh thái đáp ứng lượng trung bình du khách đến thăm quan, như du lịch khám phá hang động, văn hóa khảo cổ, thể thao mạo hiểm, du lịch hoang dã, nghiên cứu khoa học; thăm quan công viên hang động, công viên rừng nguyên sinh, công viên thạch nhũ, công viên văn hóa lịch sử, bảo tàng sinh học, bảo tàng địa chất học, khu động vật bán hoang dã...

Các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng một số tuyến đường chính có mặt cắt phù hợp cho xe ôtô cơ giới phục vụ du lịch và bảo vệ rừng; không xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm và giải trí gây ồn ào ảnh hưởng đến bảo tồn.

Tại phân khu dịch vụ - hành chính sẽ phát triển du lịch đại chúng và nâng cấp các điểm dịch vụ du lịch văn hóa, thắng cảnh đã khám phá và hình thành mới các tuyến điểm dịch vụ, du lịch sinh thái thăm quan hang động và thắng cảnh... Các điểm du lịch sinh thái được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ...

Vùng đệm và vùng cửa ngõ chú trọng phát triển đô thị du lịch, dịch vụ

Bên cạnh vùng lõi vườn quốc gia, tại vùng đệm, đồ án quy hoạch xây mới các đô thị loại V, cung cấp các dịch vụ hạ tầng đô thị dân cư vùng đệm và kiểm soát các hoạt động phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng để giảm nguy cơ xâm lấn Vườn quốc gia. Lộ trình, đến năm 2020 xây mới đô thị du lịch Phong Nha. Đến năm 2030 xây mới đô thị Phúc Trạch - Troóc, đô thị cửa khẩu Cha Lo, đô thị lâm trường Thượng Trạch tại cửa khẩu Cà Roòng. Tương lai lâu dài nâng cấp các trung tâm cụm xã Trường Sơn và Pheo theo tiêu chuẩn đô thị loại V.

Cũng trong vùng đệm, khu dân cư nông thôn sẽ xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông lâm nghiệp và du lịch; Tăng cường điều kiện sống trong các thôn bản, kiên cố hóa trạm y tế, hệ thống trường học các cấp, nhà văn hóa xã, các trạm khuyến nông, khuyến lâm… Hệ thống thuỷ lợi nhỏ sẽ được thành lập, đảm bảo tưới tiêu.

Khu vực dân cư nông thôn cũng sẽ thiết lập mô hình nhà ở nông thôn gắn với vườn hộ gia đình để khai thác các nông lâm sản có tiềm năng đối với thị trường du lịch; Phát triển nghề thủ công nghiệp nông thôn làm hàng lưu niệm xuất xứ từ Phong Nha - Kẻ Bàng; Xây dựng hạ tầng nông thôn để phục vụ sản xuất, giao lưu và du lịch.

Đối với vùng cảnh quan cửa ngõ của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (khu vực ngã 3 giao cắt đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây đến lối vào động Phong Nha thuộc vùng đệm) sẽ phát triển đô thị du lịch, cảnh quan và cung cấp các dịch vụ đô thị cao cấp phục vụ bảo tồn và phát triển du lịch Vườn quốc gia.

Theo quy hoạch, trong các năm tới, Quảng Bình sẽ ưu tiên đầu tư các dự án về bảo tồn di sản, du lịch sinh thái. Tỉnh cũng sẽ lập quy hoạch xây dựng và đề án thành lập các đô thị Phong Nha, Troóc, Thượng Trạch, Cha Lo.

Về hạ tầng kỹ thuật, tỉnh sẽ triển khai đề án tăng cường cơ sở vật chất, công trình đầu mối đón khách du lịch trong nước và quốc tế đến Phong Nha - Kẻ Bàng; Xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và tuyến đường 20 Quyết Thắng đi bên ngoài Vườn quốc gia; Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung kết nối với mạng lưới hạ tầng quốc gia và đồng bộ theo các giai đoạn phát triển, ưu tiên tại thị trấn Phong Nha và khu trung tâm dịch vụ du lịch tại Sơn Trạch.

Quý Anh (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.