Tại hội nghị tổng kết về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản sáng nay, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến 31/10/2011 là 4,36%. Con số này, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là khá cao, do nhiều dự án mà ngân hàng đã mạnh tay cho vay trước đây đã bị mất khả năng thanh khoản, cộng với lãi suất từ đầu năm tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc trả nợ.
Trước năm 2011, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn lãi lớn nhờ thị trường sôi động. Ảnh: H.Lan
Tuy nhiên, tính đến 31/12/2011, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,52%. "Mức này đang có xu hướng giảm và vẫn ở trong tầm kiểm soát", ông Tiến cho biết.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10/2011, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 201.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,45% trong tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế của toàn hệ thống. Tỷ lệ này giảm 14,25% so với 31/12/2010.
Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm 2011 trở về trước, theo Ngân hàng Nhà nước, thì việc doanh nghiệp bất động sản phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở. "Do đó, trong năm 2012, cần phải rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có sự thua lỗ thực sự", ông Tiến thẳng thắn.
Theo ông Tiến, trong năm nay, nếu tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường bất động sản thì phải hết sức thận trọng. Thực tế, nếu cho doanh nghiệp vay để hình thành bất động sản thì sẽ làm tăng nguồn cung dẫn đến tình trạng mất cân đối trong bối cảnh nhà ở đang thanh khoản kém. Trường hợp cho vay để mua bất động sản sẽ làm giá cả tăng lên khiến nhiều người càng khó tiếp cận nhà ở.
Ông Tiến cho biết, trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách theo hướng đảm bảo các mục tiêu của Chính phủ và Quốc hội đề ra trong đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 15-17%. Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất và khoản không khuyến khích.
"Năm nay sẽ chủ yếu tập trung vào kiểm soát cho vay đầu tư bất động sản để thị trường phục vụ nhu cầu thực chất của người dân. Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát lại các khoản cho vay liên quan đến một số nhà đầu tư bất động sản vỡ nợ trong thời gian qua", ông Tiến nói.