Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII về việc góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi).

Một dự án bất động sản hoang hóa tại ngã ba Dầu Giây huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai vì phát triển theo phong trào.

Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thời gian qua, thị trường BĐS phát triển thiếu ổn định, tình trạng đầu tư tự phát diễn ra phổ biến, dẫn đến lệch pha cung cầu, tồn kho BĐS lớn. Để kiểm soát được điều này, cần phải có sự điều tiết của quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, đó là tăng cường vai trò kiểm soát thị trường, bảo đảm cho thị trường BĐS được phát triển theo đúng quy hoạch, kế hoạch, định hướng, bền vững và kết nối thông suốt với các thị trường khác trong nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường BĐS; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các DN và người dân tham gia hoạt động kinh doanh BĐS; tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS, tăng cường năng lực và nâng cao trách nhiệm của các DN kinh doanh BĐS, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của các nhà môi giới, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS để thị trường BĐS hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường BĐS.

Hướng tới thị trường chuyên nghiệp

Đồng quan điểm với Bộ Xây dựng, TS Trần Du Lịch - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: Cơ quan soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS cần rà soát toàn bộ thị trường BĐS và các Dự án Luật khác để đồng bộ và lành mạnh hóa thị trường BĐS, trong đó đặc biệt là các định chế tài chính để giảm đi các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, hướng tới thị trường chuyên nghiệp bằng các định chế quản lý nhà nước.

Theo TS Trần Du Lịch, để lành mạnh hóa thị trường BĐS thì phải tháo gỡ bằng giải pháp cụ thể như cho phép Việt kiều và người nước ngoài nhận chuyển nhượng các dự án dang dở nhưng phải tiếp tục làm đúng quy hoạch, đúng dự án không thay đổi. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các công trình dang dở của các nhà đầu tư trong nước có nợ nần được chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi hai bên đã thỏa thuận xong thì phải làm thủ tục chuyển nhượng qua các cơ quan chính quyền. Đồng thời, Luật phải cho phép người mua được thế chấp tài sản hình thành trong tương lai để có thể vay tiền ngân hàng góp vào dự án mua nhà ở hình thành trong tương lai nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện cho người mua nhà. Cuối cùng, để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà cũng như nguồn vốn sử dụng đúng mục đích thì tiền góp vốn của người mua nhà phải được gửi ở tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng này chỉ được phép giải ngân cho dự án đó chứ không được sử dụng vào việc khác.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi phải có chế tài với chủ đầu tư trong việc sử dụng vốn của khách hàng. “Cụ thể là tiền ứng trước của khách hàng phải để vào tài khoản phong tỏa của ngân hàng và chỉ giải ngân khi công trình được nghiệm thu thanh toán theo từng giai đoạn có biên bản nghiệm thu thực tế của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và người tiêu dùng. Làm như vậy thì tiền huy động của khách hàng mới được sử dụng đúng mục đích”, ông Châu nhấn mạnh.

Đông đảo các đại biểu đồng ý với nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, đồng thời cũng đóng góp ý kiến xung quanh việc làm thế nào để thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch và kế hoạch.

Cao Cường (Báo Xây dưng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.