Năng lực thoát nước trong khu vực nội thành Hà Nội có hạn, trong khi một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu ý thức, vô tư xả rác xuống cống, mương thoát nước khiến dòng chảy không lưu thông. Nếu những vấn đề trên chưa được khắc phục, nạn “phố thành sông” mỗi khi có mưa lớn ở Hà Nội sẽ còn tiếp diễn…
Nội thành Hà Nội Vẫn nan giải việc tiêu thoát nước

Mương nước thải chạy ven hồ Đống Đa ngập rác và phế thải xây dựng

Nạo vét 10 ngày lại dồn ứ

Cách đây không lâu, đến thăm người em đang trọ học ở khu Định Công (Thanh Xuân, Hà Nội), tôi vô tình được chứng kiến cảnh “lụt lội” cục bộ trong khu trọ ấy. Dù không phải ngày mưa, nhưng nước thải từ các phòng đổ ra không tiêu được, dềnh lên lênh láng. Chủ nhà phải dùng một đoạn dây thép dài khoảng hơn chục mét, to như đầu đũa, một đầu quấn búi giẻ to, để thông cống. Sau gần 10 phút loay hoay, với sự trợ giúp của mấy cậu sinh viên, ông chủ nhà mới đẩy được búi rác lớn - gồm tóc, vỏ gói dầu gội, túi ni lông - mắc trong cống khu trọ ra cống chung của ngõ. Cống trong nhà trọ đã thông, nước thải không còn lênh láng, nhưng cống chung của ngõ lại đầy thêm...

Không chỉ các khu nhà trọ, nhà ở, mà hệ thống nhà hàng ăn uống, cửa hàng rửa xe, các loại xe bẩn, xe công trường, các đơn vị thi công công trình ven đường mỗi ngày cũng xả xuống hệ thống cống thoát nước lượng rác thải, bùn đất không nhỏ. Lượng dầu, mỡ lẫn trong nước thải từ các nhà hàng gây đông kết bề mặt và lượng bùn, đất lẫn trong nước thải từ các cửa hàng rửa xe, từ các công trình xây dựng trôi xuống gây lắng đọng lấp đầy liên tục, khiến hệ thống cống thoát nước của Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải.

“Chúng tôi vẫn thường xuyên nạo vét cống, mương thoát nước. Nhưng chỉ 10 ngày sau là cống, mương thoát nước lại đầy bùn đất và rác thải”, ông Nguyễn Lê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, trao đổi với chúng tôi như vậy.

Hệ thống thoát nước chưa đạt yêu cầu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thoát nước trong khu vực nội thành Hà Nội chủ yếu phụ thuộc vào các trạm bơm Yên Sở I, Yên Sở II, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế và các trạm bơm hỗ trợ (Đông Mỹ, Hòa Bình, Siêu Quần, Đồng Bông I, Đồng Bông II, Thanh Bình, Cầu Bươu…). Các trạm bơm này hầu hết đều chưa đáp ứng được, thậm chí còn quá thấp, so với yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, công suất của các trạm bơm Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Đồng Bông I, Đồng Bông II, Thanh Bình, Cầu Bươu chỉ đạt mức 23m3/s, trong khi yêu cầu tiêu thoát phải đạt mức 114m3/s.

Các trạm bơm chưa đủ năng lực tiêu thoát nước, trong khi đó, hệ thống cống, mương, sông thoát nước của Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề. Theo nhận định của một số chuyên gia, hệ thống sông, kênh thoát nước của Hà Nội có lượng bùn bồi lắng nhiều, cao độ thực tế đang cao hơn cao độ thiết kế. Bên cạnh đó, một số hạng mục cải tạo kênh, mương, hồ còn đang trong giai đoạn thi công cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống thoát nước. Đó là hồ Linh Đàm, hồ Định Công, hồ Hào Nam, mương Hào Nam - Yên Lãng, mương Thái Thịnh…

Với hiện trạng hệ thống thoát nước như trên, ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, năng lực thoát nước của Hà Nội chỉ được bảo đảm với những trận mưa có cường độ dưới 310mm trong 2 ngày. “Nếu có những trận mưa lớn, kéo dài như năm 2008 thì một số khu dân cư ở nội thành Hà Nội chắc chắn không tránh khỏi úng ngập. Đây cũng là khó khăn mà chúng ta phải từng bước khắc phục”, ông Trung nói.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết năm nay sẽ có diễn biến phức tạp, có nhiều thay đổi bất thường. Ở miền Bắc, mùa mưa sẽ đến sớm, kéo dài, úng ngập sẽ nghiêm trọng hơn. Thời điểm xuất hiện mưa lũ lớn vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 10.

Đi tìm giải pháp

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão thành phố Hà Nội khẳng định, sẽ bảo đảm các trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt, lắp đặt bổ sung một số trạm bơm dã chiến, nạo vét và khơi thông dòng chảy hệ thống tiêu thoát nước, ưu tiên cấp đủ nguồn điện cho các trạm bơm vận hành tiêu úng, chủ động tiêu kiệt nước tại sông, hồ điều hòa trước khi có mưa, bão.

Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc cải tạo năng lực của hệ thống thoát nước theo hướng đồng bộ, tiên tiến, Hà Nội cần tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường ý thức của người dân trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước của thành phố. Cụ thể, nên xây dựng cho mỗi hộ gia đình, nhà hàng, cơ quan, tổ chức có xả nước thải một hố ga riêng, được trang bị bộ phận chặn rác cố định trước khi hòa vào hệ thống cống thoát nước công cộng. Gia đình nào xả rác bừa bãi sẽ phải tự bỏ công sức, tiền của để nạo vét, vớt rác trong hố ga nhà mình, nếu làm hỏng bộ phận chặn rác hoặc tự ý lắp đặt đường thoát nước không qua hố ga sẽ bị xử phạt hành chính thật nặng. Nếu gắn trách nhiệm với từng địa chỉ cụ thể như thế, hệ thống thoát nước công cộng của Hà Nội chắc chắn sẽ thông thoáng hơn…

Theo Minh Thắng (QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0