Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: VnEconomy
Như số liệu báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 (năm 2012) số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản là 100 nghìn tỷ, nhưng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì con số này là 85 nghìn tỷ và hiện nay chỉ còn 43 nghìn tỷ.
Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ ngành và các địa phương, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Lý giải nguyên nhân số nợ đọng xây dựng cơ bản giảm được một nửa, Bộ trưởng cho biết, là do các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo đó quy định nhiều chế tài rất mạnh mẽ nhằm lập lại trật tự trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ như yêu cầu các cấp có thẩm quyền không được ký, phê duyệt dự án khi không cân đối được nguồn vốn và phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm.
Tất cả các dự án khởi công mới phải được thẩm định, nếu thuộc ngân sách địa phương thì sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, và chỉ khi có đủ tiền mới trình UBND cấp tỉnh ký quyết định đầu tư.
Trong trường hợp Ngân sách Trung ương chịu trách nhiệm hỗ trợ cho địa phương thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định, nếu có đủ điều kiện mới ghi kế hoạch vốn cho địa phương và địa phương.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản không đáng ngại vì nằm trong mức an toàn. “Luật Ngân sách nhà nước cho phép ứng tối đa 30% nguồn vốn xây dựng cơ bản của năm sau để triển khai công trình, dự án của năm trước. Hiện nay bình quân chúng ta bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản khoảng 170-190 ngàn tỷ đồng, tức là số nợ đọng tối đa nằm trong mức an toàn là 50-60 ngàn tỷ đồng”, Bộ trưởng cho biết.