Hình minh họa
Tuy nhiên, đến nay tình hình chưa có chuyển biến tích cực. Nguy cơ về việc tồn tại các ngôi nhà "kỳ quái" đang càng rõ nét. Thông tin báo chí cho biết, đoạn đường chỉ dài hơn 500m này có tới 65 trường hợp cần phải xử lý.
Đáng nói, đây không phải là chuyện mới. Trước đó, khi TP Hà Nội hoàn thành đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa chỉ dài chừng cây số và cũng đã nảy sinh nhiều bức xúc liên quan đến việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Dù đây là tình trạng chung diễn ra ở nhiều tuyến phố khác, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực, thậm chí vấn đề đã nhiều lần làm "nóng" nghị trường các kỳ họp HĐND thành phố, nhưng dường như chưa có kinh nghiệm nào được rút ra để có thể xử lý dứt điểm.
Tháng 7-2013, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Yêu cầu với những thửa đất không đủ điều kiện để xây dựng, nếu chủ sử dụng không thực hiện hợp thửa, hợp khối, UBND quận, huyện lập, phê duyệt dự án đầu tư sử dụng đất vào mục đích công cộng; ban hành quyết định thu hồi đất với hộ gia đình. Trường hợp quận, huyện khó khăn nguồn vốn, khẩn trương xác định tổng mức đầu tư, báo cáo thành phố trong tháng 7-2013, đồng thời lập, phê duyệt phương án xử lý, hoàn thành xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý III-2013 và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về tiến độ, kết quả thực hiện.
Thế nhưng, việc xử lý có vẻ như vẫn bế tắc. Và hệ lụy là một lần nữa các cơ quan quản lý sẽ lại phải đau đầu "chạy theo" giải quyết hậu quả trên tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Theo chỉ đạo của thành phố, UBND quận Đống Đa và Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị khi thu hồi đất để làm đường thì phải thu hồi đồng thời các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng hai bên. Tuy nhiên, thực tế thì các mảnh đất nhỏ không đủ điều kiện xây dựng này vẫn chưa được thu hồi, tạo điều kiện cho những căn nhà kỳ dị xuất hiện và tồn tại như một thách thức với cơ quan quản lý.
Thực tế có thể thấy, các quy định của thành phố Hà Nội đã rất rõ ràng, ngay chính các cơ quan tham mưu như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường… cũng đã đưa ra nhiều giải pháp được coi là "khả thi". Song đến nay, vẫn chưa có tuyến phố nào được "thực thi" các cơ chế đó. Như vậy là vấn đề có thể nằm ở chính thái độ có quyết liệt thực thi hay không từ các cơ quan hữu quan cũng như chính quyền các quận, huyện. Có vẻ như câu chuyện về trách nhiệm trong việc xử lý còn chưa rõ ràng, nên đã xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền quận và chủ đầu tư.
Một vấn đề không mới và luôn tạo những bức xúc trong dư luận, nhưng lại chưa được giải quyết rốt ráo. Trong khi hành lang pháp lý cho việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã có mà tình trạng ngày càng trầm trọng hơn thì xem ra vấn đề thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hiệu quả xử lý đến mức nào phụ thuộc vào mức độ "dày, mỏng" về trách nhiệm của những nhà quản lý!