Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sẽ ban hành thông tư liên tịch cho phép người mua nhà được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai để vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng ngay sau dịp Tết nguyên đán.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra tại buổi thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 21/1.

Ông Nam cho biết thêm, những người trong cơ quan Nhà nước, hưởng lương ngân sách tại các đơn vị sự nghiệp được cơ quan xác nhận về kiền kiện ở chứ không cần xác nhận thu nhập. Còn những người làm ngoài cơ quan Nhà nước thì phải có xác nhận của phường nhưng cũng không phải xác nhận thu nhập, chỉ xác nhận điều kiện ở tại địa chỉ đăng ký hộ khẩu.

Đây được cho là bước đột phá nhằm đấy nhanh tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vốn rất khiêm tốn trong thời gian qua.

Cũng ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ có quyết định tăng thêm các ngân hàng cổ phần được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng khẳng định sẽ chú trọng các giải pháp tạo nguồn vốn dài hạn như phát triển các Quỹ tín thác, Quỹ đầu tư bất động sản, đặc biệt Chính phủ sẽ có chính sách đột phá để đẩy nhanh quá trình thành lập Ngân hàng Tiết kiệm nhà.

"Ngay sau Tết, chúng tôi sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để chuẩn bị thí điểm thành lập các Ngân hàng Tiết nhiệm nhà," ông Nam nhấn mạnh.

Còn về phía mình, đại diện BIDV cho biết sẽ khoanh nợ cho khách hàng có khó khăn nhưng là những khoản nợ có thể phục hồi được, chứ không khoanh cho những khoản nợ xấu.

Mặt khác, BIDV cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, đang xây dựng dở dang được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng. "Đối với người dân, Bộ Xây dựng nên cho phép người mua nhà ở xã hội được nhận ngay Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và được chuyển nhượng khi có giấy chứng nhận này," đại diện BIDV nhấn mạnh.

Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản đồng ý cho một số doanh nghiệp xây nhà ở thương mại đáp ứng những điều kiện trên được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng. Nhưng Bộ không đồng ý cho phép người mua nhà ở xã hội bán nhà ngay, mà phải để ít nhất sau 5 năm. “Chúng tôi đã đồng ý rút từ 10 năm xuống 5 năm. Nếu cho bán ngay vô hình chung đã tạo điều kiện cho người đầu cơ bất động sản,” ông Nam nói.

BIDV cũng đề xuất nên tăng thời gian cho vay gói 30.000 tỷ đồng lên 15-20 năm; điều chỉnh tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp ở mức cao hơn; giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay (hiện đang là 5%/năm)…

Trả lời những kiến nghị này, ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho biết: Hiện đã có một số ngân hàng thương mại cổ phần đề nghị được tham gia gói 30.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét và sẽ sớm có quyết định chính thức. Và thời hạn cho vay cũng có thể được tăng lên, nhưng trước mắt lãi suất cho vay khó giảm thêm vì hiện đã ở mức thấp hơn 50% so với lãi suất cho vay thông thường khác.

Các chuyên gia hy vọng, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho gói 30.000 tỷ đồng như trên sẽ giúp thị trường bất động sản ấm lên trong năm nay./.

Minh Thuý (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.