Nộp 4 lần tiền, vẫn chẳng thấy nhà đâu!

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn chất vấn về vấn đề nhà hình thành trong tương lai, khi quy định nhà thầu chỉ cần có hạ tầng kỹ thuật thì được phép thu tiền theo tiến độ dự án. Song, ông quan ngại thực tế khi “móng đã xong, thu tiền cũng... xong, rồi để đó”.

Câu chuyện nhà chung cư của Quốc hội là một ví dụ điển hình. “Khu nhà ở của UB thường vụ QH, đã ký từ 2008-2009 và theo tiến độ là 2011 phải xong. Nhưng đến giờ là năm 2014 vẫn chả thấy đâu, trong lúc tôi đã nộp 4 lần tiền. Cần có điều khoản để xử lý. Nhà chung cư bắt nộp tiền vào để làm móng, nhưng móng chưa xong mà tiền thì thu rồi, giờ những người nộp tiền không biết phải làm sao. Nhà chung cư Quốc hội giờ điêu đứng. Cần có biện pháp để xử lý. Tôi nhìn thấy rất nhiều nhà xây xong bỏ không trên đường ra sân bay, hay trên trục đường đi Bắc Ninh. Lần trước tôi cũng hỏi mà chưa có ai trả lời cho tôi. Đừng để nhìn thấy cảnh đó. Dân bị thu hồi đất để làm các dự án đó, họ nhìn thấy họ khóc. Đất ngày xưa thu hồi của tôi, giờ các ông để cho ma ở”.

Bà Nguyễn Thị Nương – Chủ nhiệm UB đại biểu QH cũng chia sẻ, nhiều đại biểu Quốc hội đã phải đóng đến 3 tỉ đồng đến 5 tỉ đồng, mà giờ vẫn không có nhà ở. “Có những người phải vay tiền của họ hàng, người thân để đóng góp. Họ kêu ca nói là ưu đãi cho chúng tôi mua nhà, mà giờ thành ngược đãi. Phải có chế tài để xử lý các chủ đầu tư, nhằm hoàn tất dự án” – bà yêu cầu.

Thị trường bất động sản thiệt hại vì “đội ngũ chỉ chỏ”

Một trong những vấn đề nóng được nêu lên là việc quản lý ngành nghề môi giới bất động sản. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ví dụ: Môi giới bất động sản tại Australia chủ yếu là do luật sư thực hiện. Họ không “ăn” theo cả hai đầu mua và bán, mà thu nhập dựa trên tỉ lệ phần trăm của giá trị bất động sản bán được. Ông cho rằng, hiện ở VN, môi giới BĐS diễn ra phổ biến, ở làng xã cũng có, hay còn gọi là “đội ngũ chỉ chỏ”, nhưng không được quản lý chặt chẽ. Có những trường hợp người mua dựa vào các đội ngũ môi giới này, và đã bị thiệt hại nặng nề, mà không được pháp luật bảo vệ.

Chủ nhiệm UB Pháp Luật QH Phan Trung Lý đồng tình cho rằng cần quy định và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động môi giới, vì “cò đất, cò nhà thì nhiều, môi giới đúng nghĩa thì ít”. Ông “chỉ mặt, điểm tên” các dạng cò đất này đã gây nhiều rối loạn, lũng đoạn trên thị trường BDS hiện nay.