Đất vàng 235 Nguyễn Trãi
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2003, Sở đã chủ động rà soát, lập danh mục 422 cơ sở công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Ban chỉ đạo cấp thành phố cũng được thành lập, nhiều chính sách, văn bản được ban hành, đồng thời các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch di dời hoặc chuyển đổi chức năng cho quy hoạch. Nhưng mới chỉ có 41 cơ sở di chuyển, đạt khoảng 10%. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như chính sách chưa phù hợp, tâm lý doanh nghiệp chưa thông, hạ tầng nơi đến chưa đồng bộ… nhưng một trong những nguyên nhân chính là việc chủ sử dụng đất cố tình kéo dài thời gian để giữ đất. Tại quận Thanh Xuân, có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường và nằm trong quy hoạch đô thị. Đến nay, số cơ sở di dời chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm vẫn cố tình không chịu di dời. Công ty cổ phần Cao-su Sao Vàng, mặc dù có kế hoạch chủ động di dời, nhưng mới chỉ xong báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đại diện công ty, việc di dời đòi hỏi kinh phí lớn, mặt bằng rộng,… nên tiến độ còn chậm.
Tại quận Hai Bà Trưng có 41 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường hoặc không đúng quy hoạch chung phải di dời. Nhưng đến nay mới thực hiện di dời được 14 cơ sở như Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Rượu Hà Nội, Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Dệt 8/3, Nhà máy May Thăng Long... Hiện đang thực hiện di dời Tổng công ty Thương mại, Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu, Tổng công ty Dệt Phong Phú, Công ty Dược phẩm T.Ư 2… Lãnh đạo quận đề nghị sau khi doanh nghiệp di dời, thành phố sớm bố trí đất để xây dựng các công trình mà địa phương đang thiếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính, công an phường…
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng không hẳn doanh nghiệp chưa nhận thức ra tầm quan trọng của mục tiêu phải di dời bởi không loại trừ trường hợp, doanh nghiệp đang “găm đất”. Cũng vì thế, các chuyên gia lo ngại đến việc đô thị Hà Nội sẽ quá tải nhiều mặt trong tương lai, khi đất tại các cơ sở di dời có khả năng mọc lên những trung tâm thương mại lớn, nhà chung cư cao tầng, thiếu bóng dáng của trường học, công viên… Mà lo ngại ấy đã thường trực khi ngày 28-8 vừa qua, trong buổi lễ công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị tại số 233, 233b và 235 Nguyễn Trãi, tỷ lệ 1/500, khu đất của nhà máy xà-phòng và nhà máy thuốc lá sau khi di dời sẽ là một khu chức năng đô thị. Tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 132.197 m2, trong đó diện tích đất lập quy hoạch khoảng 109.980 m2 với quy mô dân số khoảng 9.710 người.
Trước những lo ngại này, các chuyên gia đều cho rằng, để phát triển đô thị bền vững, thì từ cấp trung ương đến thành phố phải có quy hoạch, kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng đất sau di dời, phục vụ lợi ích hài hòa các bên. Trong đó, tăng cường cho trường học, khu vui chơi và các công trình công cộng.
Theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học… trong nội thành Hà Nội, gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được đấu giá công khai theo quy định để tạo kinh phí tái đầu tư cho doanh nghiệp bị di dời. |