Sự tuỳ tiện trong quản lý quy hoạch xây dựng đang khiến cho đô thị Hà Nội đang trở lên lộn xộn, mất mỹ quan. Ảnh (Internet)
Những “thói quen” sai pháp luật
Nhìn lại Thủ đô trước những năm 2008, khi Hà Nội chưa sát nhập thêm tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh ( Vĩnh Phúc ) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình), hầu hết trên địa bàn thành phố, các quận, huyện, xã, phường đều có quy hoạch 1/2000. Nhưng thực tế, vào thời điểm đó, trong hồ sơ quy hoạch có bản đồ sử dụng đất làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng theo từng đường phố trong lô đất. Quy hoạch đô thị lúc này, có thể nói đều thiếu đi những bản vẽ “linh hồn” của đồ án quy hoạch, mà cụ thể là bản vẽ thiết kế đô thị, bản đồ chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng.
Cũng do thiếu những bản đồ nêu trên, mà việc cấp phép xây dựng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng nhà ở trong đô thị đều thiếu cơ sở pháp lý. Vì vậy, trên một tuyến đường, có nhà được phép xây dựng cao, nhà được phép xây dựng thấp. Điều này đã tạo nên sự bất bình đẳng đối với người dân, khi có sự đố kỵ chênh lệch do nhà này được xây cao, nhà kia phải xây thấp, và buộc họ phải “đấu tranh” để “vươn lên” bằng những căn nhà đã được xây cao.
Cũng bởi lẽ đó, mà hàng loạt các công trình sai phép tồn tại nhiều năm nhưng không thể xử lý được, do việc cấp phép thiếu cơ sở pháp luật, phụ thuộc ý trí chủ quan cá nhân của những người có trách nhiệm và thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Công trình số 8B Lê Trực (Ba Đình) trước khi điều chỉnh quy hoạch.
Năm 2012, khi Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng ra đời (đây cũng là cơ sở pháp lý duy nhất, chính thống về cấp phép xây dựng). Trong đó, Nghị định quy định rõ cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng là đồ án quy hoạch 1/500, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc kèm theo đồ án.
Khoản 1 Điều 6 của Nghị định 64/NĐ-CP đã nêu rõ về điều kiện cấp phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ trong đô thị: “a) Phù hợp với: Quy hoạch chi tiết xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; b) Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, thì phải phù hợp với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; c) Công trình xây dựng dân dụng cấp đặc biệt, cấp I trong đô thị phải có thiết kế tầng hầm theo yêu cầu của đồ án quy hoạch đô thị và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và kiến nghị của một số thành phố lớn, sau khi Nghị định 64/NĐ-CP ra đời, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chậm thực hiện nghị định trong vòng 6 tháng để các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… có thời gian thực hiện việc thiết kế quy hoạch chi tiết đô thị.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc cấp phép của Hà Nội vẫn không có căn cứ pháp lý, do việc tổ chức lập và phê duyệt theo quy hoạch chậm, không được triển khai, không được quan tâm. Vì vậy, nhiều công trình được áp dụng quy chuẩn QCVN : 01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng làm quy chuẩn cấp phép.
Được biết, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng...
Như vậy, có thể khẳng định, việc mang quy chuẩn để cấp phép xây dựng là việc làm trái với pháp luật, trái với nội dung Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. Tuy nhiên, thực tế vẫn tiếp tục được tái diễn. Việc sử dụng quy chuẩn để cấp phép tạo ra một bộ mặt đô thị nhom nhem, nhiều công trình có hình thức cắt khúc như những chiếc ghế ngồi sừng sững mọc lên trong đô thị, gây phản cảm, đặc biệt là đối với nhà ở của người dân trên các phố đô thị chính. Việc áp dụng quy chuẩn xác định tỷ lệ phần trăm đất xây dựng không những gây thiệt hại về tiền, của của nhân dân, mà còn làm xấu đi bộ mặt đô thị.
Công trình số 8B Lê Trực trông không khác một chiếc ghế, sau khi được điều chỉnh quy hoạch.
Tạo gánh nặng cho nhân dân
Đã đến lúc phải được thanh tra, kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật trong việc cấp phép xây dựng, gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phải được quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trở lại với công trình số 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội), một trong những điểm nóng lâu nay vẫn được chính quyền và người dân quan tâm. Sau 10 năm “đội nón” đi xin cấp phép, dự án đã được điều chỉnh quy hoạch nhiều lần dẫn dến những thiệt hại và hệ luỵ nhiêm trọng. Căn cứ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Cầu Giấy – Kim Mã – Hùng Vương được UBND TP Hà Nội phê duyệt, ngày 16/3/2009 cơ quan quản lý quy hoạch kiến trúc TP. Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 và phương án kiến trúc công trình của dự án với các chỉ tiêu: mật độ xây dựng 64%, diện tích xây dựng 2.393m2, tổng diện tích sàn xây dựng 29.184m2, công trình cao 17 tầng với tổng chiều cao công trình là 70m, hệ số sử dụng đất 7,8 lần (trong đó có 1.941m2, Công ty CP May Lê Trực bàn giao cho thành phố để mở đường Trần Phú – Kim Mã kéo dài theo quy hoạch).
Tuy nhiên, đến ngày 12/7/2013, UBND Thành phố Hà Nội lại ra văn bản số 5043/UBND-QHXDGT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội) thực hiện đầu tư xây dựng với mật độ xây dựng 64%, chiều cao công trình tối đa 44m (giảm 26m so với phương án quy hoạch đã được phê duyệt lần đầu).
Và không giống như quy hoạch dự án đã được điều chỉnh, ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cho dự án 8B Lê Trực. Theo đó, đối với công trình số 1 có diện tích xây dựng 1.783m2, tổng diện tích sàn 29.874m2 (chưa kể diện tích 4 tầng hầm là 10.264m2), chiều cao tầng 1 là 3,9m và chiều cao công trình là 53m; công trình số 2 với chiều cao 20,4m, tổng diện tích sàn 2.283mm2, chiều cao tầng 1 là 3,6m.
Quy hoạch “một đằng”, cấp phép xây dựng “một nẻo”, vậy cơ sở pháp lý nào để thực hiện việc cấp phép xây dựng cho dự án trên? Theo Nghị định Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng thì cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng là đồ án quy hoạch 1/500, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc kèm theo đồ án. Đây là cơ sở duy nhất để cấp phép xây dựng, trong trường hợp thay đổi quy hoạch phải có cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh. Vậy, việc cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội có phải đã thiếu cơ sở pháp luật? Nếu xử lý công trình vi phạm mà dựa vào giấy phép xây dựng, trong khi, giấy phép xây dựng đó lại thiếu cơ sở pháp lý để cấp, thì liệu việc làm đó có đúng pháp luật không? có công bằng hay không? Cá nhân cấp phép, các cơ quan cấp phép sẽ chịu trách nhiệm gì trong việc này?
Đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc làm rõ những “mảng tối” trong việc cấp phép xây dựng đối với các công trình như đã nêu trên để xử lý một cách công bằng.