Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc về các vấn đề phối hợp chuyên ngành; trong đó, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong phát triển đô thị.

Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường họp bàn về nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Ảnh: Nguyen Huong

Các nội dung tập trung trao đổi xung quanh 4 vấn đề: góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự thảo Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Dự thảo thông tư hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng; Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng.

Liên quan đến dự thảo Luật Quản lý Phát triển đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 69 điều và đã cụ thể 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua. Về quản lý hệ thống đô thị quy định 2 chính sách gồm: phát triển đô thị theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh.

Quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch có nội dung quản lý và sử dụng đất, hệ thống hạ tầng, không gian, cảnh quan và hệ thống không gian xanh đô thị. Các quy định này bám sát các yêu cầu của chính sách phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, sử dụng đất đô thị hiệu quả cho đầu tư phát triển đô thị.

Dự thảo Luật cũng thể hiện chính sách đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị với việc quy định bổ sung phương thức và hình thức huy động nguồn lực tài chính, bao gồm: thuế liên quan đến bất động sản; đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất; chuyển nhượng quyền phát triển đô thị; khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quỹ đầu tư phát triển đô thị. Hiện dự thảo luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học… Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo, vẫn còn một số ý kiến khác nhau liên quan đến một số nội dung. Do đó, Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan cũng như báo cáo Chính phủ. Trong các nội dung nói trên, có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế đất đai, đất đô thị…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thống nhất sẽ tiếp tục bàn thêm các nội dung, cùng tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật Quản lý Phát triển đô thị, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội vào tháng 7/2018). Mục tiêu đặt ra là khi được ban hành, Luật Quản lý Phát triển đô thị, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Môi trường sửa đổi không chồng chéo, không gây khó khăn, ách tắc.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, việc hoàn thiện các dự thảo luật phải bảo đảm tính tương thích, đồng bộ, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, tránh chồng chéo và cũng không bỏ sót các nội dung. Chính sách quản lý phát triển đô thị phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất…

Cùng đó, nhiều nội dung chuyên ngành đã được hai Bộ thống nhất. Điển hình là dự thảo Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn (CTR) đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp soạn thảo đã thống nhất cơ bản nội dung. Ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc mở rộng phạm vi và điều chỉnh một số mục tiêu cụ thể trong công tác quản lý CTR sinh hoạt đô thị và CTR nguy hại, CTR công nghiệp thông thường…, đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện trong dự thảo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, Chiến lược đã được hoàn thiện với tư duy đổi mới, cách thức và tầm nhìn dài hạn, chất lượng cao nhất. Một số nội dung, chỉ tiêu sẽ tiếp tục được hai Bộ thống nhất để đảm bảo tính khả thi của Chiến lược. Cụ thể như: tổng CTR sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý; chỉ tiêu sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt để không phát thải túi nilon không thân thiện với môi trường; chỉ tiêu CTR sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, vận chuyển đến các nơi lưu giữ, xử lý; chỉ tiêu về tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh được quản lý, tái chế, tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Liên quan đến việc thúc đẩy sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng, hai Bộ thống nhất xem xét, nghiên cứu sửa đổi Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại và Quy chuẩn QCVN07:2009/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại) theo hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế hiện nay.

Một lĩnh vực cũng được hai Bộ bàn thảo, thống nhất đó là các nội dung chính trong dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng nhau xây dựng, ký kết quy chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giải quyết các thủ tục hành chính cho địa phương, người dân và doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực do hai Bộ quản lý./.
Thu Hằng (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.