Liên tiếp các vụ gian lận trong việc mua nha cho người có thu nhập thấp được phát hiện, cộng với việc hàng loạt căn hộ cho người có thu nhập thấp ở CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) được bàn giao nhưng chưa có người đến ở đã chỉ ra nhiều bất cập trong việc bán nhà.

Mua bán nhà ở cho người có thu nhập thấp: Quỹ nhà sẽ bị thao túng bởi cơ chế xin cho

Kiểm tra hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Kiến Hưng quận Hà Đông. Ảnh: Thu Quang


Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá: Chủ trương xây nhà ở xã hội là chủ trương đúng, hợp lý của Nhà nước hỗ trợ cho những đối tượng cần nhà. Công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, sinh viên học tại các trường đại học, cao đẳng, các cán bộ công nhân viên có mức thu nhập thấp ở đô thị chưa có nhà đều có quyền tiếp cận nhà ở xã hội. Họ đang phải ở những ngôi nhà xập xệ, chỉ là những nơi ở chứ không coi là nhà. Chúng ta cải tạo, xây dựng nhà ở cho những đối tượng này rất hợp lý. Đây là những đối tượng đáng được ưu tiên. Từ năm 2009, Nhà nước bắt đầu tập trung đầu tư vào nhà ở xã hội. Nhiều nhà đầu tư cũng tham gia đầu tư nhà ở xã hội, và đây là hướng đầu tư đúng.


- Hiện nay, nhiều hộ gia đình mua được nhà cho người có thu nhập thấp, nhưng lại không đến ở. Thậm chí, tại Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ gian lận trong việc mua nhà cho người có thu nhập thấp. Phải chăng, quỹ nhà này chưa đến đúng đối tượng cần mua, thưa ông?


Hiện nay, có một số dự án, Nhà nước bỏ tiền từ ngân sách xây nhà xã hội cho thuê hoặc thuê mua, đó là cách tiếp cận không đúng, không tốt. Bên cạnh đó, có trường hợp nhà đầu tư nắm quỹ nhà xã hội, dù kinh phí chủ yếu của Nhà nước, tiền sử dụng đất Nhà nước giao không thu, thì với cơ chế xin cho, quỹ nhà này sẽ bị thao túng. Vậy, cần có cách thức nào để chuyển tải được trợ giúp của Nhà nước đến người thuộc diện chính sách.


Bản thân chủ trương xây nhà thu nhập thấp của Nhà nước là rất tốt, rất đúng, nhưng hiện nay vẫn có những trường hợp người ta lợi dụng chủ trương đó để tư lợi. Nếu chúng ta không quản lý chặt chẽ, chắc chắn xảy ra tiêu cực. Chúng ta cần có cơ chế chống lại tiêu cực, nhất là với các đối tượng bán trao tay không đăng ký. Hiện nay, chúng ta cũng đã có những quy định chặt chẽ hơn. Nhà của anh mà anh không ở thì Nhà nước sẽ thu hồi lại.


- Theo ông, cần đề ra những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng "nước chảy chỗ trũng" trong việc bán nhà cho người có thu nhập thấp?


Hiện nay chúng ta đang dùng cách thức xin cho, cách thức này không đúng, nên chúng ta cần thay đổi. Ở các nước khác, người ta thường tạo ra cộng đồng những người có thu nhập thấp và trao quyền cho họ. Nhà đầu tư sử dụng tiền của nhà Nước, theo đúng số vốn của Nhà nước, xây dựng đúng tiêu chí kỹ thuật của Nhà nước và trao lại cho cộng đồng tự xử lý. Cộng đồng những người có thu nhập thấp tự quản lý, tự quyết định ai cần được ưu tiên.


Chúng ta phải sắp xếp lại cơ chế, và cần có sự tham gia của tất cả các bên, trong đó có cộng động những người có thu nhập thấp, để họ tự xem xét, bình xét, thảo luận, tự sắp xếp với nhau và tự chịu trách nhiệm. Cơ quan nhà nước có thể đi kiểm tra. Như thế, mức độ công bằng sẽ cao hơn.


- Với mức lương như hiện nay, liệu những công chức nghèo có thể mua được cho người có nhà thu nhập thấp, thưa ông?


Quả thật, tiền mua một ngôi nhà, dù là nhà ở xã hội cũng cao hơn khả năng chi trả của người có thu nhập thấp. Nếu các đối tượng này được vay ưu đãi, được vay không lãi ở các ngân hàng xã hội, ở các quỹ phát triển nhà ở thì dễ tiếp cận với quỹ nhà này. Nhưng dù sao, chúng ta cũng hy vọng và cần một mức giá thấp hơn.


- Xin cảm ơn ông!
Theo Hồng Thái (Kinh Tế & Đô Thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.