Ngày 5/12, trả lời chất vấn những câu hỏi liên quan đến công tác quản lý đất đai, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2009 đến năm 2012, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với 882 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

Qua đó, phát hiện 779 tổ chức sử dụng đất có vi phạm ở các mức độ khác nhau. Trong số này, UBND thành phố đã giúp 511 tổ chức khắc phục lỗi vi phạm; tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng cho 132 dự án, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 100 tổ chức, ra quyết định thu hồi đất của 36 tổ chức vi phạm Luật Đất đai. Có 21 dự án được thành phố gia hạn thời gian triển khai.

Cũng từ năm 2009 đến năm 2012, UBND thành phố đã ban hành 38 quyết định thu hồi đất với tổng diện tích thu hồi hơn 828 ha, trong đó 17 quyết định đã thực hiện xong với tổng diện tích thu hồi hơn 817 ha, 21 quyết định còn lại đang được các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện xác định chi phí đầu tư trên đất để hoàn trả với diện tích 10,7 ha.

Về các biện pháp khắc phục tình trạng này, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt 6 nhóm giải pháp đang thực hiện; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, quy hoạch; rà soát các dự án được gia hạn và nếu không khắc phục được sẽ buộc phải thu hồi. Bên cạnh đó, sẽ tăng mức xử phạt những doanh nghiệp vi phạm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND về dự án treo Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, ông Vũ Hồng Khanh cho biết: “Tôi vừa kiểm tra dự án này, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo giải trình về vấn đề này. Về pháp lý, TP giao cho UBND quận Thanh Xuân giải phóng mặt bằng theo quy hoạch. Tuy nhiên việc triển khai dự án này do chủ đầu tư là Công ty Vina Megastar là chậm, thành phố sẽ rút kinh nghiệm”.

Về nguyên nhân, ông Vũ Hồng Khanh xác định một số nguyên nhân cơ bản, trước hết do trách nhiệm của chủ đầu tư không gương mẫu thực hiện, thậm chí nhiều chủ đầu tư vi phạm. Nguyên nhân thứ hai là do công tác quản lý nhà nước. Có lúc, có nơi có địa phương quản lý đất đai chưa tốt. Nguyên nhân thứ 3 là việc hợp nhất mở rộng thủ đô đòi hỏi tập trung xây dựng quy hoạch, bởi theo nguyên tắc và cũng là quy định của Luật, phải có quy hoạch mới xác định được dự án nào được làm, không được làm, hay được chuyển mục đích sử dụng. Nguyên nhân thứ 4 do ảnh hưởng khủng hoảng suy thoái kinh tế chung.

Qua nghe giải trình, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị phải chỉ rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, không thể cứ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan vướng quy hoạch; và cần xác định rõ, gắn trách nhiệm của chính quyền các quận huyện thị xã trong quy trình giao đất các dự án; công tác quản lý đất đai là vấn đề lớn và khó.

Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị thành phố cần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, đánh giá, lựa chọn đúng những chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án để giao đất, cho thuê đất. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa chỉ các dự án có vi phạm. Đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy hoạch phân khu.

Theo Xuân Cường (Báo Tin Tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.