Phó chủ tịch UBND TP Rạch Giá, ông Nguyễn Văn Hôn giới thiệu Quy hoạch dự án Cụm công nghiệp Đông Bắc - Vĩnh Hiệp
UBND TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vừa cùng các doanh nghiệp nghe chủ đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên MISEEN (ở tỉnh Long An) báo cáo và thông qua Đề án đầu tư xây dựng Cụm Công nghiệp Đông Bắc – Vĩnh Hiệp.
Chủ đầu tư cho biết, dự kiến quy mô gần 50 ha tọa lạc tại địa bàn khu phố Dãy Ốc, phường Vĩnh Hiệp. Nơi đây có điều kiện giao thông đường thủy và đường bộ thuận tiện cho việc tập kết vật tư, giao thương hàng hóa đi các nơi trong và ngoài thành phố thông qua các tuyến tránh thành phố, đường Lạc Hồng nối dài và kênh đường thủy Tây - Nam.
Tại đây, UBND thành phố thống nhất Quy hoạch Cụm Công nghiệp Đông Bắc – Vĩnh Hiệp gồm các khu chức năng như: khu vực chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản; khu sản xuất vật liệu xây dựng; khu sản xuất các mặt hàng cơ khí; sửa chữa, đóng tàu thuyền và một số khu sản xuất khác…nhằm thực hiện việc bố trí di dời tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố vào sản xuất kinh doanh tại Cụm Công nghiệp này.
Đây là một trong những tiêu chuẩn trong thực hiện xây dựng thành phố Rạch Giá đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Tại hội nghị, UBND thành phố Rạch Giá chỉ đạo Phòng Kinh tế và UBND các phường tổ chức thống kê tất cả các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tham gia đăng ký đầu tư để di dời hoạt động vào Cụm Công nghiệp Đông Bắc – Vĩnh Hiệp theo các khu chức năng phù hợp với từng ngành, nghề sản xuất kinh doanh đã được quy hoạch trong Cụm công nghiệp này.
Đáng nói là, Dự án Khu công nghiệp Thạnh Lộc được chính phủ phê duyệt từ năm 2006, với diện tích 250 ha, nằm ở ngay cửa ngõ chính vào TP. Rạch Giá, được xem là rất thuận tiện về giao thông cả đường thủy, bộ và hàng không (gần Sân bay Rạch Sỏi), nhưng đã qua 6 năm vẫn chưa chốt được nhà đầu tư nào triển khai hạ tầng.
Thậm chí, tỉnh Kiên Giang đã phải ứng 30 tỷ đồng vốn của chương trình hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ, giao cho BQL KKT tỉnh đền bù giải phóng 50 ha đất và làm được 1 km đường trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc đã đấu nối với tuyến tránh TP Rạch Giá. Thế nhưng, khoản đầu tư "mồi" này vẫn không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, và do đó, đến nay chưa có doanh nghiệp nào vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nguyên nhân chính, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, là do giá trị đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và bồi thường giải tỏa đất quá cao, nên đẩy giá đất trong khu công nghiệp cao gấp nhiều lần bên ngoài. Riêng giá bồi thường đất cho dân theo quy định của UBND tỉnh là 1,6 tỷ đồng/ha, cao gần gấp đôi giá thị trường bên ngoài ở một số nơi lân cận.
Thêm vào đó, chủ đầu tư phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng điện lực, cấp thoát nước để đấu nối với bên ngoài cũng như các khoản đầu tư khác không được nhà nước hỗ trợ, nên giá thành suất đầu tư/ha đất rất cao.
Chính vì thế, việc có thêm Dự án Cụm công nghiệp Đông – Bắc Vĩnh Hiệp nằm cách Khu công nghiệp Thạnh Lộc không xa, liệu có khả thi để triển khai hay không là điều băn khoăn của nhiều người quan tâm.
Liệu người dân sinh sống và canh tác đất trong vùng dự án này có phải chịu cảnh khổ sở vì “dự án treo” tương tự như Dự án Khu công nghiệp Thạnh Lộc đang diễn ra trước mắt từ nhiều năm qua?