10/11/2015 9:39 PM
“Chúng tôi đi khảo sát thì thấy tình trạng xây biệt thự trong vườn cà phê, không sao kiểm soát được, sai lệch trong sử dụng đất nông lâm trường không được xử lý nghiêm minh. Càng đi càng thấy rất phức tạp, ở đâu cũng vi phạm hết”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nêu rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014 tại Quốc hội ngày 10/11.

Theo báo cáo của Chính phủ, tình trạng tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức như: lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật.

Cụ thể trong những năm qua đã phát hiện 54 doanh nghiệp, ban quản lý rừng còn có tranh chấp với diện tích 18.315 ha; 76 doanh nghiệp, ban quản lý rừng bị lấn chiếm với diện tích 59.668 ha; 34 doanh nghiệp, ban quản lý rừng đang cho mượn, chuyển nhượng đất với diện tích 5.034 ha.

Qua công tác thanh tra toàn diện tại 123 nông, lâm trường và các công ty chuyển đổi từ các nông, lâm trường trên địa bàn 53 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương từ 2012 đến nay, cho thấy tình trạng tranh chấp đất đai, vi phạm pháp luật phổ biến.

Các hình thức vi phạm điển hình như cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, chuyển mục đích trái pháp luật; giao khoán không đúng quy định; không thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ rõ, việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương, trong 10 năm qua các nông, lâm trường, ban quản lý rừng đã bàn giao cho địa phương quản lý 883.012 ha. Tuy nhiên, so với quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so với yêu cầu.

Hiện nay nhiều nông, lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa, việc thu hồi đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép.

Ông Ksor Phước cũng cho biết, một số nơi bàn giao đất tốt, trên đất đang có vườn cây, rừng trồng nhưng địa phương còn lúng túng do không xác định được nguồn vốn trồng rừng, trữ lượng rừng để bàn giao và cách thức tính toán giá trị tài sản đền bù hoặc bên nhận đất không có khả năng thanh toán tiền đền bù giá trị tài sản trên đất.

Tại các đơn vị sau cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo. Trong 3 đơn vị cổ phần hóa, do không quản lý chặt chẽ nên phần lớn diện tích đất trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép. Có 11/32 đơn vị sau khi cổ phần hóa đã không thực hiện rà soát, quy hoạch sử dụng đất và làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Thảo luận về vấn đề này, Phó trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cho biết, việc sắp xếp đổi mới các nông lâm trường còn hình thức, nhiều đơn vị lúng túng, phần lớn đất và rừng chưa được lập bản đồ địa chính, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. ĐB Hà cũng chỉ rõ thực trạng nông lâm trường giao khoán đất cho người nông dân nhưng không quản lý sát sao, một số nơi có tình trạng khoán trắng, người được khoán xây dựng nhà đất trên diện tích khoán song chậm được xử lý.

ĐB đề nghị Chính phủ rà soát, ban hành cơ chế chính sách mới để khắc phục các tồn tại hiện nay, kiên quyết yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định của ngân sách về việc phân bổ ngân sách cho công tác đo đạc, cắm mốc, lập bản đồ địa chính.

ĐB Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) thì trăn trở với vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp với người dân và địa phương. Nguyên nhân có rất nhiều nhưng theo ĐB Hải chủ yếu do người dân sở tại thiếu đất sản xuất canh tác, trong khi các công ty có nhiều đất để hoang hóa, đơn cử xã Minh Sơn.

Trong khi đó các giải pháp xử lý tranh chấp đất đai lại chưa được thỏa đáng, ĐB Hải nêu điển hình là vụ tranh chấp tại xã Sơn Trạch (Quảng Bình) 10 năm nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nhiều ĐBQH đều tỏ ra đồng tình với việc Quốc hội ra nghị quyết về tăng cường quản lý sử dụng đất nông lâm trường.

Dũng Nguyễn (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.