Xuất phát chủ yếu từ chủ đầu tư
Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (Sở TN-MT TPHCM), cho biết nhà, đất chưa có giấy chứng nhận chủ yếu thuộc địa bàn các quận, huyện vùng ven, khu vực mới đô thị hóa, trong các dự án phát triển các khu đô thị mới, các dự án xây dựng chung cư...
Nguyên nhân chủ yếu tỷ lệ nhà đất được cấp giấy chứng nhận thấp do những quy định chặt chẽ của thành phố, nhằm buộc chủ đầu tư các dự án phát triển các khu đô thị mới, các dự án xây dựng chung cư phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính mới được cấp giấy.
Theo quy định trong Quyết định 54, đối với những dự án có sai phạm, nợ nghĩa vụ tài chính, không đầu tư đầy đủ hệ thống hạ tầng... thì không được cấp giấy chứng nhận. TPHCM có khoảng 200 dự án dạng này. Ngoài ra, còn có hàng ngàn căn hộ trong các dự án có sai phạm dẫn đến không được cấp. Ông PHẠM NGỌC LIÊN, |
Trong khi đó, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ năng lực để hoàn thành tất cả hạng mục hạ tầng kỹ thuật được duyệt. Một thực tế là phần lớn dự án khu dân cư được các chủ đầu tư bán cho khách hàng dưới hình thức “hợp đồng góp vốn”.
Chủ đầu tư đã thu đủ tiền từ khách hàng và dù còn rất nhiều trách nhiệm với khách hàng nhưng cù nhầy. Chính vì những lý do trên, nhiều dự án đã xây dựng nhà trên 10 năm người dân vẫn chưa có giấy tờ.
Mới đây, nhiều hộ dân khu phố 5, phường 25, quận Bình Thạnh (TPHCM) đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, xem xét việc cấp giấy chứng nhận. Những hộ dân này đã ký hợp đồng xây dựng nhà ở với Công ty Phát triển nhà quận Bình Thạnh từ năm 2000. Cả khu phố sầm uất hình thành từ hơn 10 năm trước, mỗi căn nhà có giá vài tỷ đồng, nhưng chẳng căn nào có giấy chứng nhận.
Hiện mỗi hộ dân chỉ nắm trong tay một bản hợp đồng góp vốn và một biên bản giao ranh nền. Được biết, sau khi góp vốn xây dựng nhà ở được 7 năm, năm 2007, Công ty Phát triển nhà quận Bình Thạnh đã thu lại toàn bộ giấy tờ với lý do để làm giấy, nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu... Đây chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp điển hình quyền lợi của người dân bị treo mà nguyên nhân do sai phạm của chủ đầu tư.
Tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận
Ông Phạm Ngọc Liên cho biết, để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân mua nhà dự án, TPHCM đã bỏ quy định: “Một trong những giấy tờ tạo lập nhà đất phải có mới được cấp giấy chủ quyền là biên bản nghiệm thu hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho UBND quận, huyện hoặc Sở Giao thông-Vận tải quản lý để đưa vào sử dụng”.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận tại quận 7. Ảnh: CAO THĂNG |
Chính vì quy định này nhiều năm nay, người dân mua đất xây nhà trong dự án hay mua căn hộ chung cư đã không được xét cấp chủ quyền, khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện một trong những hạng mục hạ tầng như: đường giao thông, trường mầm non, hệ thống thoát nước, công viên cây xanh.
Việc bỏ một phần trong Quyết định 54, thành phố đã tạo điều kiện cho hàng trăm dự án phát triển nhà ở với hàng chục ngàn căn nhà thuộc diện xây sai thiết kế mẫu nhà, tự ý phân lô, điều chỉnh quy hoạch đã được cơ quan chức năng thông qua, sử dụng sai công năng, không đầu tư xây dựng hoặc có đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên không được nghiệm thu, sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Riêng đối với những trường hợp hồ sơ pháp lý đất đai phức tạp, Sở TN-MT thành phố đã có kiến nghị Bộ TN-MT cho phép cấp giấy chủ quyền về đất trước, để hoàn thành công tác cấp giấy chủ quyền kịp kế hoạch vào tháng 6-2013.
Trong trường hợp chủ đầu tư không hợp tác, sở sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng không cấp phép đầu tư, không giao đất, cho thuê đất để làm dự án mới trên địa bàn thành phố cho đến khi hoàn thành thủ tục cấp giấy cho dân trong các dự án hiện hữu. Ông Liên cho biết sau một thời gian quyết liệt, đến nay tiến độ cấp giấy tăng lên rõ rệt.