Ở Hà Nội, có lẽ không nơi nào người dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhiều như xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Từ một xã thuần nông, An Khánh nhanh chóng biến thành “đô thị” với hàng nghìn hộ dân không còn đất sản xuất. Điều rất đáng buồn là sau khi bà con bàn giao đất theo chủ trương của nhà nước, thì suốt 6 năm qua họ vẫn chưa được nhận “đất dịch vụ” theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Người dân không có đất sản xuất, nhà nước thiếu đất dịch vụ cấp cho dân, nhưng ở xã An Khánh vẫn có hàng trăm héc-ta đất dự án bỏ hoang!

Cả xã dài cổ chờ “đất dịch vụ”

Làm việc với UBND xã An Khánh, chúng tôi được biết, từ năm 2000 đến nay, toàn xã có hơn 435ha đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ các dự án đô thị, công nghiệp, giao thông. Tổng số hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên là 2.073 hộ (tính theo thời điểm giao “sổ đỏ” năm 1993). Đặc biệt, bà con ở 4 thôn: Vân Lũng, An Thọ, Phú Vinh, Yên Lũng bị thu hồi gần hết đất nông nghiệp.

Theo Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27-1-2006 của Chính phủ, những hộ gia đình bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (gọi tắt là đất dịch vụ); mức đất được giao do UBND cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định.

Thực hiện Nghị định trên, UBND tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã ban hành quyết định cho những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150m2/hộ. Trên cơ sở đó, UBND xã An Khánh đã thành lập hội đồng xét duyệt, đề nghị giao đất dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi đất với tổng số đất cần có để giao là gần 400.000m2 (40ha), bao gồm cả đất xây dựng hạ tầng cơ sở.

Thế nhưng việc giao đất dịch vụ ở An Khánh gặp vướng mắc ở chỗ, gần như toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 4/5 thôn trong xã đã bị thu hồi hết, nên không đủ đất để giao cho dân. Những phần đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển thành đất dịch vụ thì chưa thu hồi, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng; một số khu vực còn vướng quy hoạch chung của TP Hà Nội, nên toàn xã vẫn phải… tiếp tục chờ đợi.

Ông Lê Văn Tuyên, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã An Khánh, bày tỏ lo lắng: “Xã tôi vốn đã đất chật, người đông, gần 10 năm nay hầu như không còn đất sản xuất. Việc chậm cấp đất dịch vụ và quy định xét cấp đất còn nhiều bất cập, khiến cuộc sống của nhân dân rất khó khăn. Hàng nghìn gia đình trong xã đang phải chật vật lo cái ăn hằng ngày vì trong tay không có đất đai. Lo ngại nhất là các tệ nạn xã hội vì thế cũng gia tăng vì nhiều thanh niên “nhàn cư vi bất thiện”, không nghề nghiệp và không có địa điểm làm ăn”.

Chưa được cấp đất dịch vụ để sản xuất, kinh doanh, chị Vương Thị Hà ở thôn Phú Vinh cùng hàng nghìn nông dân xã An Khánh đành đi bán hàng rong kiếm sống.

Những vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Chờ nhiều năm vẫn chưa được cấp đất dịch vụ khiến hàng nghìn hộ dân ở xã An Khánh không khỏi bức xúc. Thời gian qua, bà con đã nhiều lần kéo ra trụ sở UBND xã và đến tận nhà lãnh đạo xã để kiến nghị.

Ông Nguyễn Hữu Đích, Trưởng thôn Yên Lũng và ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Bí thư Chi bộ thôn An Thọ cho biết: Không chỉ bức xúc vì chậm cấp đất dịch vụ, bà con còn khiếu nại vì quy định cấp đất dịch vụ có sự bất hợp lý. Theo quy định hiện hành, những gia đình bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên sẽ được giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích bị thu hồi, nhưng không quá 150m2/hộ. Bất hợp lý ở chỗ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006, nhưng lại tính thời điểm giao đất cho hộ gia đình từ năm 1993. Thực tế là khi nhà nước thu hồi đất, rất nhiều gia đình đã tách hộ vì con lớn lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng, chủ hộ được giao đất năm 1993 đã phải chia đất sản xuất cho các con. Xã An Khánh có hơn 1000 hộ thuộc diện này, đã bị thu hồi 100% diện tích đất nông nghiệp (từ 1.500m2 trở lên) nhưng theo quy định thì chỉ được tối đa 150m2 đất dịch vụ. Như vậy họ rất thiệt thòi, vì số đất này phải chia năm, xẻ bảy cho mấy thế hệ gia đình. Bà con rất mong Chính phủ và UBND TP kịp thời điều chỉnh, tính thực tế số hộ gia đình tại thời điểm thu hồi đất của dân, hoặc trả đất dịch vụ bằng đúng 10% tổng diện tích đất bị thu hồi, không khống chế mức tối đa 150m2/hộ để người dân đỡ khó khăn.

Bất hợp lý thứ hai là, đất xen kẹp trong khu dân cư bị nhà nước thu hồi làm đất dịch vụ lại không được tính làm cơ sở cho hộ gia đình hưởng đất dịch vụ, nên những hộ có đất xen kẹp bị thu hồi rất thiệt thòi, dẫn đến hành vi chống đối thu hồi đất.

Tìm hiểu về việc chậm cấp đất dịch vụ ở xã An Khánh, chúng tôi không khỏi xót lòng khi thấy ở đây rất nhiều đất dự án… bỏ hoang, trong khi hàng nghìn hộ dân không có đất sản xuất, chịu cảnh thất nghiệp và địa phương thiếu nguồn đất dịch vụ.

Dẫn phóng viên đi chụp ảnh những dự án “treo”, bỏ hoang hàng chục héc-ta đất gần 10 năm nay, một số người dân và cán bộ thôn ở An Khánh bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp thu hồi đất dự án bỏ hoang lâu năm, giao lại cho người dân sản xuất và chuyển sang đất dịch vụ, nhưng chưa thấy thực hiện. Trong khi theo quy định của Luật Đất đai thì đất giao làm dự án quá thời hạn 12 tháng không đưa vào sử dụng và chậm 24 tháng thì nhà nước sẽ tiến hành thu hồi”.

Ngày 22-10, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã An Khánh. Ông Nguyễn Huy Hoán, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Những kiến nghị của người dân về sự bất hợp lý trong chính sách giao đất dịch vụ ở An Khánh là chính đáng và hoàn toàn có cơ sở, lãnh đạo xã cũng đã báo cáo lên trên. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị UBND thành phố ráo riết chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc tạo quỹ đất dịch vụ; khẩn trương đền bù, bàn giao mặt bằng và giúp địa phương quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đất dịch vụ để chia cho dân trong thời gian sớm nhất”.

Xã An Khánh có tổng diện tích đất tự nhiên 830ha, nhưng đã bị thu hồi hơn 435ha đất nông nghiệp phục vụ các dự án kinh tế - xã hội. Từ năm 2000 đến 2007, toàn xã có 2.073 hộ bị thu hồi 30% đất sản xuất trở lên (tính theo thời điểm giao quyền sử dụng đất năm 1993, thực tế đã tách thành 3.200 hộ) nhưng đến nay chưa hộ nào được nhận đất dịch vụ, nguyên nhân chủ yếu là thiếu quỹ đất.
Theo Cát Huy Quang ( QĐND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.