Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Luật Quy hoạch (QH) được thông qua và đi vào thực tế, cả nước sẽ chỉ còn 21 loại QH ở cấp trung ương, vùng và tỉnh. Hàng ngàn bản quy hoạch sẽ trở thành mớ giấy lộn.

Một góc đường phố Trần Phú, thị xã Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh đang nằm trong quy hoạch. Ảnh: Như Ý

Chiều 10/7, tại buổi họp báo công bố Dự thảo Luật Quy hoạch, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết, thời gian qua cả nước có hàng ngàn QH được lập, nhưng bộc lộ nhiều yếu kém, như: QH chất lượng thấp, chồng chéo, thiếu khả thi, thường xuyên phải điều chỉnh; QH chưa phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế… “Những hạn chế, yếu kém đó gây khó khăn cho phát triển kinh tế- xã hội, gây lãng phí nguồn lực đất nước. Đồng thời, cản trở việc đầu tư, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế”, ông Các nói.

Theo ông Các, Luật QH nếu được ban hành sẽ thay đổi toàn bộ hoạt động QH hiện nay. Theo đó, dự luật sẽ xóa bỏ các QH sản phẩm, ngành nghề cụ thể, thay vào đó bằng điều kiện, tiêu chuẩn kinh doanh. Như QH các điểm bán lẻ rượu bia, nước giải khát xác định mỗi địa phương chỉ được bao nhiêu điểm kinh doanh, điều này đi ngược lại kinh tế thị trường; hay như QH vùng nuôi cá tra, tôm… các QH này sẽ bị hủy bỏ.

Luật QH cũng khắc phục tình trạng phát triển tự phát, thiếu đồng bộ, kém hiệu quả do bị chi phối bởi nhóm lợi ích, tình trạng cục bộ ngành và tính “cát cứ” địa phương. Như hệ thống đường bộ, đường sắt là hạ tầng thiết yếu cần có QH, nhưng ngành vận tải thay đổi theo thị trường không nên có QH. Ngoài ra, Luật QH lần này có thêm QH về không gian biển.

Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, danh sách các ngành nghề, lĩnh vực cần lập QH đã được tổ soạn thảo dự luật bàn tới. Tuy nhiên, việc có chốt danh sách “cứng” các lĩnh vực cần có QH, hay để cho Chính phủ quyết định vẫn còn phân vân. “Luật có quy định cụ thể các lĩnh vực cần QH hay không sẽ do Quốc hội quyết định. Sau khi chúng tôi rà soát, chỉ còn khoảng 21 bản QH theo tiêu chí mới. Còn hàng ngàn bản QH ngành nghề, lĩnh vực sẽ bị bãi bỏ ”, ông Đông nói. Theo ông Đông, ở các cấp sẽ có Hội đồng thẩm định QH - gồm thành phần tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hội đồng sẽ phản biện, đưa ra QH thống nhất, tránh chồng chéo, lãng phí, nhóm lợi ích, QH thiếu khả thi…

Dự kiến, Luật QH sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2016.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, tới năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng.

Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.