Với mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6/2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ), Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Sở và Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tập trung thực hiện ngay các giải pháp cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rút gọn quy trình, cắt giảm một số loại giấy tờ cũng như thời gian, chi phí, thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Hướng dẫn thủ tục cho người dân tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. (Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN)

Đặc biệt, Hà Nội đã chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tính pháp lý của thửa đất để xét cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình.

Giảm tối đa các thủ tục hành chính

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết hiện Sở đã phối hợp với cơ quan thuế xây dựng xong tờ khai, biểu mẫu tích hợp bốn loại giấy tờ theo quy định, gồm đơn đăng ký cấp giấy, tờ khai phí thuế thu nhập cá nhân, tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai vị trí người sử dụng đất, đảm bảo dễ hiểu, dễ điền thông tin. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thuế chuẩn bị ban hành văn bản liên ngành về luân chuyển hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính về nhà, đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước Hà Nội nhằm xây dựng quy trình phối hợp hợp lý tạo điều kiện dễ dàng, nhanh chóng cho người dân và tổ chức khi thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nộp thuế như thu thuế qua internet banking, người dân có thể nhận thông báo thuế qua hòm thư email.

Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang tập trung đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, nhân lực cho việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với một số thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động đất đai.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin này sẽ hỗ trợ công dân trong việc dễ dàng tiếp cận với các thủ tục hành chính, giảm nhiều chi phí, thời gian đi lại của công dân, hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực, “nhũng nhiễu” trong khi công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ tại cơ quan Nhà nước và mọi thủ tục đều được thực hiện công khai, minh bạch.

Tháo gỡ dứt điểm nhiều vướng mắc

Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 144.011 thửa đất tại các khu dân cư còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc do phần lớn các trường hợp còn lại không có giấy tờ hợp lệ, có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa giải quyết được.

Tại các dự án phát triển nhà ở cũng có tới 56.970 căn hộ có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư, không đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Riêng đối với tổ chức sử dụng đất còn khoảng 3.000 tổ chức chưa kê khai cấp giấy chứng nhận.

Để tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với những trường hợp tồn đọng trên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thành phố đã chỉ đạo thực hiện triệt để việc tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết vướng mắc, quyết tâm hoàn thành công tác cấp sổ đỏ trong tháng 6/2017.

Cụ thể, khi thực hiện cấp sổ đỏ cho tổ chức, thành phố chỉ đạo đối với nơi đã có bản đồ địa chính (hoặc đã đo vẽ khi thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai), Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích sao để làm thủ tục cấp sổ đỏ. Trường hợp này không phải chuyển cấp xã nơi có đất xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện.

Đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, Sở thuê đơn vị có tư cách pháp nhân để đo trích lục bản đồ địa chính, lấy xác nhận về vị trí, ranh giới sử dụng đất không tranh chấp, khiếu kiện của Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất. Thời gian Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện không quá năm ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của đơn vị sử dụng đất. Thành phố quyết định bỏ thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban Nhân dân cấp huyện nơi có đất xác nhận việc quản lý, sử dụng đất và đề nghị công nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức.

Đối với các tổ chức được giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, hiện đang sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí, ranh giới, diện tích đất được giao, được thuê thì không phải lấy thông tin quy hoạch của Sở Quy hoạch Kiến trúc và chỉ giới đường đỏ.

Các trường hợp đang làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nghĩa vụ tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục bàn giao đất trên thực địa và làm thủ tục cấp ngay sổ đỏ mà không yêu cầu chủ đầu tư phải lập hồ sơ khác.

Cùng với đó, các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại các dự án phát triển nhà ở khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, Sở không phải báo cáo thành phố xin chấp thuận chủ trương mà xét cấp ngay sổ đỏ cho tổ chức đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Đáng chú ý, các trường hợp bị yêu cầu thu hồi đất theo Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân; các trường hợp cơ quan Thanh tra, cơ quan Công an kiến nghị thu hồi đất; các trường hợp có quyết định thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, nhưng chưa thực hiện quyết định, kháng nghị, kiến nghị, các hộ gia đình vẫn đang sử dụng phù hợp với quy hoạch thì xét cấp ngay giấy chứng nhận và thu nghĩa vụ tài chính.

Trường hợp có Bản án của Tòa án nhân dân tuyên thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai trước ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay chưa thi hành án, vẫn đang sử dụng đất ổn định, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, khiếu kiện thì đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao xét xử giám đốc thẩm đối với nội dung thu hồi đất, giao Ủy ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân cấp huyện xem xét, xử lý theo quy định của Luật Đất đai.

Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, khi thực hiện Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND về cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân thì trình tự, thủ tục được tinh giảm, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi thuận lợi cho người dân. Cụ thể, thành phố yêu cầu chỉ tiến hành thanh tra, xử lý đối với các trường hợp đã vi phạm là đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư để làm căn cứ xem xét cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Đối với các trường hợp đã vi phạm trên đất vườn, ao liền kề với đất ở; đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư, cấp huyện chi đạo kiểm tra, xử lý vi phạm trước khi cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Thành phố cũng đề nghị khi thực hiện việc cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong dự án phát triển nhà ở, Sở Tài nguyên và Môi trường và các chủ đầu tư dự án phải kiểm tra hồ sơ pháp lý phục vụ việc đăng ký, cấp giấy chứng ngay từ thời điểm chủ đầu tư ký hợp đồng bán nhà cho người mua.

Đối với các trường hợp chủ đầu tư vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch thì chỉ những trường hợp vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, Sở mới tiến hành thanh tra hoặc đề xuất thanh tra; các trường hợp vi phạm không nghiêm trọng, liên quan đến một lĩnh vực quản lý, Sở chủ động kiểm tra, xử lý để đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục tồn tại.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh thành phố kiên quyết đổi mới lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm phục vụ và năng lực giải quyết công việc của công chức.

Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân cấp quận, huyện khẩn trương rà soát đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cấp giấy chứng nhận, lựa chọn cán bộ có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp để thực hiện; nghiêm túc đưa ra khỏi hệ thống ngành những cán bộ thiếu trách nhiệm, "nhũng nhiễu" nhân dân./.

Minh Nghĩa (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.